Nâng cao thu nhập cho người dân thông qua phát triển mô hình kinh tế trang trại

Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua, các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của các huyện, thành phố.

Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như vai trò và ý nghĩa của kinh tế trang trại, gia trại trong sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, Tuyên Quang đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh như: chính sách về đất đai; chính sách về vốn, chính sách về chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách về thuế, chính sách khuyến nông, lao động - đào tạo, thị trường, vệ sinh môi trường... Nhờ đó, số trang trại của tỉnh tăng lên đáng kể. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn các mô hình kinh tế hộ và có gần một nghìn trang trại đăng ký phát triển theo quy mô lớn, xong thực tế cho thấy các trang trại chủ yếu tập trung phát triển kinh tế vườn rừng, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, mức đầu tư cho mỗi trang trại bình quân trên 500 triệu đồng và bình quân mỗi trang trại sử dụng từ 2 đến 4 lao động thường xuyên. Nhiều mô hình trang trại được đầu tư theo hướng nông, lâm kết hợp chăn nuôi gắn với trồng rừng nguyên liệu đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ  đồng mỗi năm.

Kinh tế gia trại và trang trại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền sản xuất nông, lâm nghiệp bởi đây là thành phần kinh tế nòng cốt thúc đẩy sản xuất hàng hóa; đi đầu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm; tạo việc làm cho nhiều lao động khu vực nông thôn, hình thành các cùng sản xuất hàng hóa ở từng địa phương, tạo tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp.Các huyện như Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn có thế mạnh phát triển cây ăn quả, cam, quýt, chè, trồng rừng; các huyện như Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương có tiềm năng chăn nuôi thủy sản và đại gia súc, gia cầm.

Đến thăm mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Hàn Văn Dương ở xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên đã cho thấy phát triển kinh tế gia trại, trang trại luôn là hướng đúng “đúng và trúng” của người dân trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2018, từ Dự án hỗ trợ nuôi trâu sinh sản tập trung được hỗ trợ 50 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, gia đình anh Dương đã có điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn lên tới hơn 20 con trâu bò. Qua thực tế cho thấy, việc đầu tư nuôi đại gia súc bằng phương pháp nuôi nhốt của gia đình anh Dương vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí lao động, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây.

Mặc dù dự án nuôi trâu, bò nhốt chuồng mới chỉ được triển khai thực hiện trong vài năm trở lại đây, song qua thực tế đã cho thấy tính hiệu quả mà dự án mang lại cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là dự án không chỉ tạo ra được một hướng đi mới, từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô kinh tế trang trại mà còn cung cấp sản phẩm và nguồn con giống có chất lượng phục vụ nhu cầu chăn nuôi của bà con nông dân. Nhiều hộ không còn chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, tập trung vào phát triển kinh tế trang trại, đầu tư quy mô, tạo tính liên kết trong việc cung ứng con giống và bảo đảm thị trường tiêu thụ.

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của gia đình anh Bàn Văn Linh, thôn Lũng Piát, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đem lại hiệu quả kinh tế cao

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Bàn Văn Linh, thôn Lũng Piát, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đang ngày càng phát triển và thu hút được sự quan tâm của nhiều hộ gia đình trong xã và các xã lân cận. Nhận thấy nhu cầu của thị trường, anh Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi từ giống dê địa phương chăn thả sang giống dê lai nuôi nhốt với số lượng 24 con. Chăn nuôi theo phương thức này, anh Linh đã tích cực trồng cỏ, trồng ngô và tận dụng các loại lá cây có sẵn trong tự nhiên để làm thức ăn cho dê. Sau một thời gian chăn nuôi và thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh định kỳ, đến nay đàn dê của gia đình anh Linh đã tăng lên gần 50 con, đầu ra cho sản phẩm luôn ổn định do được thị trường ưa chuộng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, mà từ những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả này đã hình thành nên những tổ, nhóm cùng sở thích để liên kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đồng thời, từ những mô hình này, người dân địa phương có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, từng bước nhân rộng, tạo ra những thay đổi căn bản trong việc phát triển kinh tế hộ theo quy mô gia trại, trang trại, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng kinh tế trang trại vẫn còn bộc lộ không ít những khó khăn. Hầu hết các hộ đều phát triển mang tính tự phát, chủ yếu các trang trại là khai thác tiềm năng sẵn có, số trang trại có thu nhập trên một tỷ đồng mỗi năm còn ít và đặc biệt là hiện nay một số trang trại chưa được cấp quyền sử dụng đất, do vậy việc đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế, nhiều chủ trang trại thiếu vốn sản xuất, nhưng việc vay ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phương thức cho vay phát triển trang trại còn dàn trải chưa phù hợp tính chất của sản xuất nông nghiệp phải chịu rủi do lớn. Sản phẩm làm ra sức cạnh tranh còn hạn chế.

Để kinh tế, gia trại và trang trại trở thành nòng cốt trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, trong thời gian tới, cần tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng để đầu tư đồng bộ hệ thống đường giao thông, điện nước…Đồng thời thực hiện tốt các chính sách ưu đãi để khuyến khích người nông dân phát huy hết khả năng vốn, lao động, kỹ thuật đưa vào phát triển sản xuất theo mô hình trang trại, nhằm không ngừng nâng cao mức sống, làm giàu cho người dân.

Việc phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển nông nghiệp bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập; khuyến khích làm giàu đi đôi với giảm nghèo; phân bổ lại lao động, dân cư, xây dựng nông thôn mới. Phát triển kinh tế trang trại cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, từng bước thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa trong nông nghiệp và nông thôn./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục