Phát huy hiệu quả của Chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống người dân nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tuy mới triển khai thực hiện hơn 04 năm nay nhưng đã có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; góp phần nâng cao giá trị nông sản ở nông thôn, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Chiêm Hoá đã có 26 sản phẩm OCOP đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá phân hạng, nâng hạng đạt 3 sao trở lên. Đa số các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, hệ thống bao bì, tem nhãn. Nhiều sản phẩm OCOP đã tạo dựng được thương hiệu và đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh như: Trà túi lọc đậu đen xanh lòng, Rượu nếp cất 02 lần Ông Chấp, Bánh gai Chiêm Hoá, Thịt trâu khô Hùng Mỹ, Dưa lưới Kim Bình, Gà Ri Kim Bình, Măng tre Trinh, chè Nhân Sơn, chè Thôm Lòa,... Việc xây  dựng,  phát triển các sản phẩm  OCOP theo tiêu  chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP (Sản phẩm Thanh long ruột đỏ Chiêm Hoá, Dưa lưới, Gà ri, Măng tre, Thịt trâu, Chè,...) đã góp phần giúp cho các sản phẩm tự tin khẳng định được chất lượng; duy  trì, mở rộng ứng dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác trên địa bàn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP chính là thế mạnh trong phát triển sản xuất tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Bánh gai Chiêm Hoá (Ảnh: Sưu tầm)

Thành phố Tuyên Quang hiện có 17 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên của 11 chủ thể trên địa bàn 8 xã, phường. Nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền, như: Mật ong Tuyên Quang, Hồng mọng Tràng Đà, Bưởi Thái Long, Mì khô Thuật Yến, Ổi Kim Phú, Bưởi Lưỡng Vượng,... Trong thời gian qua, các chủ thể sản phẩm đã tập trung duy trì, mở rộng ứng dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thực hiện sản xuất hữu cơ trong sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh trên địa bàn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao nhu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hồng mọng Tràng Đà (Ảnh: Sưu tầm)

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên trong đó có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao  (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). Các sản phẩm tập trung thộc các nhóm: Nhóm thực phẩm 171 sản phẩm; nhóm đồ uống 13 sản phẩm; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 03 sản phẩm; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 01 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 03 sản phẩm, trên địa bàn 94 xã, phường, thị trấn của 134 chủ thể. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm phần lớn đều được phát triển về quy mô và duy trì phát triển được chất lượng, số lượng và được người tiêu dùng đón nhận; giá bán được nâng cao so với trước thời điểm chưa được công nhận đem lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với thời điểm chưa tham gia OCOP.

Một số sản phẩm sau khi tham gia Chương trình OCOP, đã tạo động lực cho chủ thể và các thành viên liên kết phát triển sản phẩm, bước đầu nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân, như: Rau bò khai, rau Giảo cổ lam, măng khô, thịt chua lợn đen Duy Vượng, trứng vịt suối Vằng Seng (huyện Lâm Bình); gạo nếp Khẩu Láng, gà đen thả đồi và gà đồi Năng Khả (huyện Na Hang);  chè  Pà Thẻn xã Linh Phú, chè Nhân Sơn (huyện Chiêm Hoá); mật ong nhãn Bình Ca, chè Bát tiên Khe Đảng (huyện Yên Sơn); Hồng mọng Tràng Đà, bưởi Thái Long (thành phố Tuyên Quang)... Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại luôn được chính quyền địa phương và các chủ thể quan tâm. Các sản phẩm OCOP được tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh; duy trì, phát triển các cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Bên cạnh đó, cùng với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, các huyện, thành phố đã luôm khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm OCOP; áp dụng, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, các hộ sản xuất sản phẩm OCOP.

Chính sự thành công của các chủ thể và sản phẩm đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia Chương trình; qua đó ngày càng khẳng định vai trò là giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân trong xây dựng nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có trên 40 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới đạt từ 3 sao trở lên; nâng hạng trên 10 sản phẩm OCOP từ 3 sao lên hạng 4 sao; đồng thời thực hiện tổ chức đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã đánh giá, phân hạng sau 03 năm theo quy định./.

La Thị Duyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục