Chiêm Hoá đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị

Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2023, huyện Chiêm Hóa đang đẩy nhanh tiến độ, chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM; tập trung tăng cường nhiều nguồn lực phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Đây là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã đề ra, những năm gần đây huyện Chiêm Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Xã Hùng Mỹ là một trong những địa phương tiêu biểu có truyền thống chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của huyện Chiêm Hóa. Mô hình liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giữa Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành (Yên Sơn) với HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ được triển khai theo hình thức hợp đồng thỏa thuận và cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ông Lương Hải Tuyên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công xã Hùng Mỹ chia sẻ: “Khi doanh nghiệp ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm thì cả ba bên là doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng có lợi.. Theo đó, HTX vừa quản lý chất lượng và làm đầu mối thu mua có lợi nhuận; người dân bán được giá cao hơn so với cách sản xuất trước đây. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định”.

Thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị giúp nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sự phát triển của chuỗi nông nghiệp còn một số khó khăn do nông dân chỉ tham gia khâu duy nhất là sản xuất, quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tổn thất sau thu hoạch cao. Các chuỗi phát triển chưa đồng đều, quy hoạch vùng còn lỏng lẻo, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Sản phẩm Thịt trâu khô Hùng Mỹ đạt OCOP 4 sao (Ảnh nguồn internet)

Đồng chí Ma Đình Sắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ cho biết: “Hiện nay, tổng số đàn trâu, bò trên địa bàn là 2.248 con với trên 30 hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Năm 2021, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh Chương trình OCOP đã chấm sản phẩm thịt trâu tươi và thịt trâu khô Hùng Mỹ của HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công từ 3 sao lên 4 sao. Đây là điều kiện để xã tiếp tục phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, tạo dựng sản phẩm đặc trưng, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân”.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, huyện Chiêm Hóa vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, một số chỉ tiêu thành phần chưa đạt kế hoạch như: diện tích trồng mía, giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, tiến độ thi công, giải ngân một số công trình, dự án và việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm…

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, Đảng ủy, chính quyền huyện Chiêm Hóa đã tập trung xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, hình thành các vùng chế biến công nghệ cao, khép kín tại vùng chuyên canh chính; xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần để tăng hiệu quả liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo các ngân hàng đa dạng hóa phương thức cho vay mới, gắn với các chuỗi nông nghiệp đang và sẽ hình thành, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn mở để rộng sản xuất, phát huy hiệu quả chuỗi liên kết nông sản.

Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai 11 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như mô hình liên kết trồng dưa chuột Nhật, liên kết với HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi (Hòa Bình) trồng với diện tích 16,5 ha, tập trung ở các xã Tân Thịnh, Tân An, Hòa An, Nhân Lý, Linh Phú, Kim Bình. Tiêu biểu có thể kể đến như mô hình liên kết sản xuất ngô sinh khối của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Minh Hoàng, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) với diện tích trên 257,4 ha, giá trị sản xuất đạt trên 2,1 tỷ đồng…

Có thể khẳng định, phát triển chuỗi giá trị nông sản là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp xu thế phát triển bền vững. Để thực hiện cách làm này, Hà Nội đã, đang có nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần cải thiện đời sống người dân.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục