Phát triển nông thôn: Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn

Ngày 03/01/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 ngành Nông nghiệp và PTNT. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Tuyên Quang, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đại diện một số doanh nghiệp nông nghiệp và một số Hợp tác xã nông lâm nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang

Nông nghiệp chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản

Với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, năm 2023 lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023 toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn; duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm

Bộ Nông nghiệp đã tham mưu trình Chính phủ ban hành; tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí nông thôn mới/nông thôn mới nâng cao cấp xã, huyện và bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, quy trình thẩm định nông thôn mới đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn. Bộ đã phát hành Bộ cẩm nang hướng dẫn thực hiện Chương trình và Khung chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 để các tỉnh thống nhất thực hiện. Tổ chức nhiều Hội nghị toàn quốc về NTM. Phối hợp với các bộ, ngành trung ương thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình của các tỉnh, thành phố, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, có giải pháp tháo gỡ và xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông về xây dựng NTM.

Tính đến hết năm 2023 cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn NTM có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2024 ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu và giải pháp: Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, nhất là các chương trình chuyên đề trọng tâm, các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, bền vững, ưu tiên các vùng, khu vực khó khăn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có khoảng 7 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp; triển khai hiệu quả, đúng tiến độ, đúng pháp luật nguồn vốn ngân sách trung ương được giao, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, cũng như huy động hợp lý  các nguồn lực hợp pháp để đầu tư, hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và PTNT tại điểm cầu Hà Nội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những kết quả của ngành nông nghiệp trong năm qua. Nhất trí cao với những mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp đề ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm mà ngành cần quan tâm thực hiện những nhiệm vụ chính như: tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản, phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, mạnh dạn tiếp cận xu thế “Chạm để kết nối”; Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn./.

Lê Thị Quỳnh Mai/Chi cục Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục