Tuyên Quang đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ngày 21/11/2023, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025.

Là cơ quan tham mưu trực tiếp cho tỉnh trong việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-SNN ngày 12/01/2024 để triển khai thực hiện trong toàn ngành. Với yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở phải nhận thức rõ việc phát triển HTX là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy Sở Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành. Từng nhiệm vụ phải có đơn vị phụ trách thực hiện. Được theo dõi, đánh giá thường xuyên để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn ở từng thời kỳ.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025: 100% số HTX hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Số lượng HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên; mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 HTX điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, doanh thu bình quân/HTX đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 40% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX; có khoảng 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 70 HTX ứng dụng công nghệ cao; có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX được đào tạo nghề giám đốc HTX theo chương trình đào tạo; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX; hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX.

Tại Kế hoạch này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề ra 06 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức về HTX; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX; tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX; Nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các HTX; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ của HTX; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX.

Quy trình đóng gói túi trà lọc của HTX Thảo Mộc Việt, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên

Từ thực tế có thể khẳng định, mô hình HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Hoạt động của các HTX đã đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra mà hộ nông dân cá thể không làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả.

Với những đòi hỏi chất lượng về sản phẩm nông nghiệp ngày càng khắt khe hơn, việc phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, áp dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu mà các HTX phải vươn tới. Đó không chỉ là cách để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững mà còn là hướng tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, tạo điều kiện hiện đại hóa nền nông nghiệp tỉnh nhà ngày một phát triển./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục