Nông nghiệp Tuyên Quang đặt mục tiêu tăng trưởng trên 4%; phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, năm 2023 là năm khá thành công đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh. Nhờ khắc phục những khó khăn, phát huy những lợi thế, sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh đã tăng trưởng 4,65% so với năm 2022.

Dự án phát triển sản xuất bưởi liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Yên Sơn đang được người dân xã Quý Quân tích cực thực hiện

Năm 2023, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với những khó khăn về thời tiết, nhiều đợt nắng nóng gay gắt; giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao, trong khi giá bán nông sản không tăng nhiều. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), nông dân, nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, sản xuất nông nghiệp duy trì tăng trưởng khá, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản năm 2023 cơ bản đạt kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản tăng trên 4,65% so với năm 2022; dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại như: Số lượng hàng hóa nông nghiệp chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường còn ít. Số doanh nghiệp, HTX trực tiếp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ với nông dân thông qua hợp đồng còn hạn chế; diện tích cây trồng, số cơ sở chăn nuôi, thủy sản chuyển đổi sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn chậm; tiến độ thực hiện chính sách tại một số địa phương thực hiện còn chậm; Trên địa bàn một số huyện vẫn còn xảy ra vi phạm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; kết quả xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chưa thực sự bền vững; việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí đã đạt chuẩn còn hạn chế. Việc thẩm định, xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới còn chậm.

Để khắc phục những hạn chế đó, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần phải thực hiện bài bản, tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản sao cho các nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã); chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn, tập trung; ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu phấn đấu tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) lên 4,7% so với năm 2023; Sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn; Tốc độ tăng đàn trâu dự kiến tăng 1,0%, đàn bò tăng 5,0%, đàn lợn tăng 4%, đàn gia cầm tăng 6% so với năm 2023; Sản lượng thịt hơi các loại 97.459 tấn; Sản lượng sữa tươi 30.500 tấn; Sản lượng thủy sản 13.200 tấn, tăng 11,16% so với ước thực hiện năm 2023; Trồng rừng 10.500 ha, tập trung 10.100 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 1.200.000 m3; Làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 65%; Duy trì, giữ vững 74 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Chính sách, Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tiến độ đề ra; Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện hiệu quả các giải pháp hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân; làm tốt công tác quản lý vật tư nông lâm nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm; Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục