Hàm Yên - Xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa

Hàm Yên là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Tuyên Quang, là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao và hình thành liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch có bước phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả. Với những tiềm năng và kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, huyện Hàm Yên đang từng bước xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, huyện Hàm Yên đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Đến hết năm 2018, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí nông thôn mới bình quân trên toàn huyện từ 4 tiêu chí/ xã năm 2011, đến năm 2018 đã tăng lên 12,4 tiêu chí/xã; thu nhập đạt 29 triệu đồng/người/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2011 (9,9 triệu đồng/người/năm). Kinh tế tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, dân chủ ở cơ sở được phát huy, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.


Quá trình đô thị hóa ở nông thôn (Nguồn ảnh: Internet)

Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 11/7/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt chủ trương Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018-2030, định hướng đến năm 2050, huyện đã phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh rà soát bổ sung các quy hoạch xây dựng để thực hiện lập quy hoạch xây dựng vùng huyện.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa, trong thời gian vừa qua, huyện Hàm Yên đã tập trung thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng ở các mặt như: Đã xác định vùng sản xuất nông nghiệp, không gian phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội với 03 vùng cụ thể; Tổ chức không gian đô thị và điểm dân cư nông thôn, trong đó xác định các điểm dân cư tập trung trên địa bàn các xã để tập trung đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu bố trí dân cư mới đối với khu vực nông thôn ngoài đô thị, đồng thời thực hiện chỉnh trang, cải tạo các điểm dân cư hiện có, mở rộng và xây dựng khu dân cư, thực hiện cải tạo, mở rộng hệ thống công trình giao thông, công trình cấp thoát nước... đối với khu vực thị trấn, đô thị mới; Quy hoạch trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất với nội dung là lựa chọn các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất trên địa bàn huyện, lập dự án đầu tư xây dựng các điểm trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất.

Thôn Đồng Cọ, xã Nhân Mục - một trong các xã nằm trong Tiểu vùng kinh tế động lực của huyện Hàm Yên

Trên cơ sở rà soát hiện trạng các xã theo 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn văn minh - hiện đại theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn vốn, hỗ trợ vốn tín dụng và huy động sức dân trên tinh thần tự nguyện để xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân.

Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa, Hàm Yên xác định một số vấn đề cần tập trung trong quá trình thực hiện:

Thứ nhất, hiện nay tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh ở nhiều địa phương, do vậy việc thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa là tất yếu. Xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện nhằm hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, từng bước tạo môi trường sử dụng lực lượng lao động trên địa bàn huyện ở mức cao nhất. Mặt khác xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa nhằm định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phù hợp định hướng đô thị hóa, nhằm chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn.

Thứ hai, việc xây dựng nông thôn mới gắn với tiến trình đô thị hóa cũng tạo ra áp lực lớn về đất đai, việc làm, môi trường… Để chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, cần đề ra chiến lược xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa… đó là quy hoạch và sử dụng đất đai hiệu quả, định hướng và phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội tại các vùng nông thôn theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt theo từng năm.

Thứ ba, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới phù hợp tiến trình đô thị hóa để xây dựng phương án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Do vậy cần tích cực ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục