Phát triển hạ tầng nông thôn của tỉnh theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, Tuyên Quang đã lựa chọn xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn làm trọng tâm để thúc đẩy các chỉ tiêu khác. Với cách làm sáng tạo, sau 9 năm thực hiện Chương trình, cơ sở hạ tâng Tuyên Quang có sự thay đổi đáng kể.

Nhà văn hóa thôn Đon Thài, xã Côn Lôn, huyện Na Hang

Xuất phát điểm là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, giao thông nông thôn, đường nội đồng và đường vào vùng sản xuất hàng hóa đi lại còn khó khăn, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, chưa gắn kết với khu dân cư, vùng sản xuất. Một số công trình hạ tầng nông thôn được xây dựng đã lâu, nay xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu, sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Từ những khó khăn đó, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí ngân sách địa phương tập trung xây dựng một số công trình trọng điểm, chọn khâu đột phá để thực hiện qua các giai đoạn nhằm phát triển hạ tầng nông thôn như: xây dựng tuyến đường từ huyện đến trung tâm các xã; hỗ trợ nhân dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đường bê tông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Người dân xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương lắp đặt kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn

Với những điểm mới, sự sáng tạo của địa phương thông qua việc đổi mới phương châm từ “Nhà nước và nhân dân cùng làm” sang “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” việc tổ chức thực hiện được triển khai bài bản, tập trung hỗ trợ đối với những công trình hạ tầng có tác động trực tiếp phục vụ cho sản xuất và hoạt động văn hóa tinh thần của nhân dân.

Ngay khi triển khai chủ trương này, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, nhân dân được dân chủ bàn bạc thống nhất, tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, huy động vật liệu, nhân công, tổ chức thi công, giám sát, nghiệm thu; các khoản chi phí, đóng góp ngày công, vật liệu đều được công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Do đó việc thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh.

Trong gần 09 năm thực hiện, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 3.322 km đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, cơ bản đường thôn, bản đã được cứng hóa. Việc xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với khuôn viên cũng cơ bản đáp ứng nhu cầu tham gia sinh hoạt của người dân. Đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trên 783 công trình nhà văn hóa, gồm 32 nhà văn hóa xã, 34 sân thể thao xã, 608 nhà văn hóa thôn, 109 sân thể thao thôn. Trang cấp thiết bị cho 301 nhà văn hóa thôn. Kiên cố hóa 570,7 km kênh mương (trong đó 509,42 km được kiên cố bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn và 61,28 km được kiên cố bằng các biện pháp khác). Đến hết năm 2018 các công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ tưới ổn định cho 82,63% diện tích lúa gieo cấy theo kế hoạch được giao trên địa bàn tỉnh. Tổng nguồn lực huy động trên 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 48%, nhân dân đóng góp 52%; có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến trên 42.000 m2 đất để làm đường; rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh và ở nước ngoài đã ủng hộ tiền mặt, vật liệu, ngày công... Hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của từng từng bước được đầu tư đồng bộ, theo hướng hiện đại. Đến nay có gần 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân từ 2,8 tiêu chí/xã năm 2010, tăng lên 13 tiêu chí/xã năm 2018.

Người dân thôn Nà Bó, xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa làm đường bê tông nông thôn

Kết quả phát triển hạ tầng nông thôn của tỉnh là yếu tố quan trọng cho nông nghiệp và nông thôn phát triển về mọi mặt. Diện mạo nông thôn khang trang, đời sống của nhân dân ngày càng nâng lên, sản xuất nông nghiệp có sự phát triển vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 9,3 triệu đồng năm 2010, tăng lên 28,4 triệu đồng năm 2018; bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% (đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều còn 15,8%).

Từ thực tiễn đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, huy động được sức mạnh nội lực trong nhân dân, nhất là trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục