Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn - Bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang

Tuyên Quang là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp bị chia cắt từng vùng, giao thông đi lại khó khăn chủ yếu bằng đường bộ. Những năm qua được sự quan tâm đầu tư của nhà nước và công tác tuyên truyền, vận động đóng góp công sức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mở mới, cải tạo, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá giữa các vùng miền trong tỉnh và giao lưu đi lại của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.
Tuyến đường giao thông nội đồng của thôn Lung May, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình

Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh gồm 11.234,3 km, trong đó: Quốc lộ: 7 tuyến dài 563,77 km; Đường tỉnh: 4 tuyến dài 451,43 km; đường huyện, dài 1.141,14 km; đường đô thị, dài 303,88 km; đường giao thông nông thôn, dài 8.761 km. Đến thời điểm 30/12/2010, toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, tuy nhiên chỉ có thể đi lại thuận tiện trong mùa khô, còn mùa mưa đi lại rất khó khăn và ách tắc khi mưa lũ. Đường giao thông nội đồng chưa được quan tâm đầu tư, chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa, đặc biệt là các phương tiện cơ giới không lưu thông được, gây khó khăn cho việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, chưa giải quyết được vấn đề cơ giới hoá, hiện đại hoá, hạn chế sự phát triển kinh tế nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI đã xác định huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông là một trong các lĩnh vực đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, sớm đưa Tuyên Quang thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Ngành Giao thông vận tải đã kịp thời tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết về cơ chế, chính sách bê tông hoá đường giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015, đường giao thông nội đồng giai đoạn 2016-2020, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án và triển khai thực hiện. Trên cơ sở Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường giao thông nội đồng đã được tỉnh phê duyệt, ngành Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan đã biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác quản lý, kỹ thuật; trình tự thi công, thanh quyết toán. Tổ chức tập huấn cho cán bộ từ cấp thôn, cấp xã, cấp huyện và các ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện.

Với phương châm thực hiện “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng là một chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, có được sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng với cơ chế chính sách phù hợp; trình tự thủ tục đơn giản, dễ thực hiện; việc phân cấp cho UBND các huyện, thành phố quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ (kinh phí mua xi măng, ống cống; chi phí quản lý); phân cấp cho UBND cấp xã phê duyệt kế hoạch đầu tư, phê duyệt dự toán, quyết toán công trình trên cơ sở hướng dẫn của ngành giao thông vận tải đã đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại cơ sở, tránh được thất thoát, lãng phí và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Đường nội đồng gắn với kênh mương tại thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình

Kết quả: Từ năm 2011 đến nay, đã thi công xây dựng trên 3.158 km đường giao thông nông thôn (giai đoạn 2011-2015: 2.802/2.183,8 km, đạt 128,3% kế hoạch; giai đoạn 2016 đến 6/2019: 356/414,2 km, đạt 86% kế hoạch). Kinh phí đã huy động đầu tư khoảng 1.825 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 881,8 tỷ đồng (chiếm 48,3%), nhân dân tự nguyện đóng góp 943,7 tỷ đồng (chiếm 51,3%), (chưa kể nhân dân hiến đất; các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ); hệ thống đường giao thông nông thôn có một diện mạo mới, đang từng bước phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hoá giữa các khu vực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thu hút các lĩnh vực đầu tư về khu vực nông thôn, góp phần hoàn thành tiêu chí Giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh (đến nay đã có 46/129 xã tiêu chí).

Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả như trên, trước hết là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là sự đồng thuận của nhân dân đã tích cực ủng hộ, đóng góp to lớn về vật chất, tinh thần với chủ trương đúng đắn của tỉnh./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục