Kinh nghiệm của huyện Sơn Dương trong việc thực hiện kiên cố hóa kênh mương

Xác định thực hiện tốt Chương trình kiên cố hóa kênh mương theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 23/7/2016 của HĐND tỉnh với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Ngay từ khi triển khai thực hiện, UBND huyện đã ban hành Chương trình hành động, xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý từ cấp huyện đến cấp xã để chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện.
Người dân xã Hợp Hòa lắp đặt kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn

Đối với cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo kiên cố hóa kênh mương do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban, cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban quản lý kiên cố hóa kênh mương do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Từ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Quá trình triển khai thực hiện Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong đó tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn thực hiện việc rà soát, đăng ký kế hoạch kiên cố hóa kênh mương hàng năm. Đồng thời đăng ký tiếp nhận cấu kiện, xây dựng kế hoạch và triển khai thi công, tổ chức nghiệm thu, bàn giao công trình thi công hoàn thành đưa vào sử dụng và hoàn thiện hồ sơ quyết toán công trình theo đúng các hướng dẫn, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, từ đó rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Với việc làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Đến nay, toàn huyện đã thi công, lắp đặt hoàn thành đưa vào sử dụng 156,598 km/206,296 km đạt 76,5% kế hoạch, còn lại 49,698km dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2019, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa bằng cấu kiện kênh bê tông đúc sẵn toàn huyện lên 206,296km/188,5 km đạt 109,4% và  tăng 17,796 km so mục tiêu Đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn I (2016-2020), hoàn thành sớm hơn một năm so với mục tiêu của đề án, góp phần đưa tổng số xã đạt tiêu chí thủy lợi trên địa bàn huyện lên 31/32 xã, đạt 96,87 %, tăng 12 xã so với năm 2015. Qua đó cũng góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả tưới của công trình, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất. Quá trình triển khai thực hiện được người dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền, ngày công, vật liệu, hiến đất… để tổ chức xây dựng các công trình kiên cố hóa kênh mương theo kế hoạch hàng năm. Với kết quả đã đạt được, có thể nói đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân.


Đoàn viên thanh niên xã Hào Phú tham gia vận chuyển , lắp đặt cấu kiện bê tông đúc sẵn để kiên cố hóa kênh mương nội đồng

Để đạt được những kết quả đó, UBND huyện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của UBND tỉnh, các Sở, ban ngành của tỉnh và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Sơn Dương, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Mặt khác quá trình thực hiện chỉ đạo từ huyện đến xã được đồng bộ, nhất quán, tập trung chỉ đạo ngay từ khi bắt đầu thực hiện (khảo sát, xây dựng kế hoạch...). Hàng tháng tổ chức đánh giá tiến độ thi công, lắp đặt kênh mương, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.Triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể từ cơ sở, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành quy chế làm việc, có sự phân công rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan, thành viên thực hiện. Xác định rõ phương châm thực hiện là “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền huyện thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, vai trò của Chương trình kiên cố hóa kênh mương theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh, xác định được trách nhiệm “chủ thể” của người dân. Công tác tuyên truyền đã thật sự đi vào chiều sâu, cụ thể, dễ hiểu với phương châm“Nói cho dân nghe, nói cho dân biết, nói cho dân bàn, nói cho dân làm và nói cho dân tin”. Trong huy động nguồn lực của cộng đồng, người dân phải đảm bảo sự công bằng, công khai, dân chủ, tự nguyện, phù hợp với nguồn lực sẵn có của địa phương, của người dân như đóng góp bằng vật liệu, ngày công, hiến đất hoặc bằng tiền ở những nơi dân có điều kiện kinh tế. Đối với hộ không có điều kiện huy động, khuyến khích đóng góp bằng ngày công để xây dựng công trình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc quá trình thực hiện, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng. Mặt khác, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp tích cực trong quá trình thực hiện./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục