Triển khai xây dựng mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng năm 2024

Thời gian qua, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc BVTV gây hại cho sức khỏe của cộng đồng và ảnh hưởng đến môi trường. Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhiều địa phương đã ưu tiên, chú trọng bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn.

Anh Phạm Văn Yên (bên trái ảnh), thôn Đô Thượng 6, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn giới thiệu về quy trình ủ phân hữu cơ phục vụ chăm bón cho vườn bưởi 7ha của gia đình

Phụ phẩm cây trồng là sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng. Xử lý phụ phẩm cây trồng là việc áp dụng giải pháp công nghệ hoặc biện pháp kỹ thuật phù hợp làm tăng hiệu quả sử dụng; không làm ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại. Theo đó, ngày 26/02/2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thuộc lĩnh vực Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phụ trách năm 2024 (Kế hoạch số 22/KH-TTBVTV ngày 26/02/2024).

Mục đích của việc xây dựng mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng để sản xuất phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, cải tạo đất, giảm gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính do việc đốt trực tiếp tại đồng ruộng. Đồng thời, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, hình thành thói quen thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng tạo thành nguồn phân bón để sử dụng trong sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất. Gắn với đó là việc triển khai hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phụ trách trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo Kế hoạch, năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai xây dựng 05 mô hình, mỗi mô hình không quá 05 điểm, khối lượng phụ phẩm thực hiện 01 mô hình là 5.000 kg phụ phẩm (rơm rạ và phụ phẩm các cây trồng khác) tại 05 xã nằm trong kế hoạch mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2024 (xã Hòa Phú, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa; xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên; xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn; xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang), mỗi xã thực hiện 01 mô hình, với tổng kinh phí thực hiện trên 160 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Để triển khai có hiệu quả việc xây dựng mô hình thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ tham gia mô hình và nông dân tại các xã thực hiện mô hình các phương pháp thu gom, kỹ thuật ủ phụ phẩm cây trồng (rơm rạ và phụ phẩm các cây trồng khác) ủ phụ phẩm thành phân hữu cơ vi sinh để sử dụng bón lại cho cây trồng, thay đổi thói quen đốt trực tiếp phụ phẩm cây trồng trên đồng ruộng, giúp giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức triển khai thu gom phụ phẩm cây trồng và tiến hành ủ phân hữu cơ vi sinh theo Quy trình làm phân hữu cơ bằng men ủ vi sinh của Cục Trồng trọt, đảm bảo thời gian ủ từ 40 đến 50 ngày.

Việc xây dựng mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm trồng trọt sẽ có tác động tích cực đến quá trình sản xuất của người nông dân, góp phần tăng năng suất cây trồng, giảm lượng phân bón hóa học, an toàn thân thiện với môi trường; góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh; áp dụng các biện pháp công nghệ để tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn trong chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp phân hữu cơ cho trồng trọt. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục