Kim Bình chủ động xây dựng nông thôn mới nâng cao

Từ nền tảng được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới” vào 2015, bước sang năm 2024, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hoá đang tập trung mọi nguồn lực, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, quyết tâm hoàn thành mục tiêu phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Hội thi khâu quả còn nhanh đẹp, xã Kim Bình năm 2024

Hướng tới xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, Kim Bình chú trọng đến nâng cao thu nhập, giảm nghèo đa chiều cho người dân, vì đây vốn là các tiêu chí khó, cần nhiều thời gian cũng như nguồn lực đầu tư.

Để làm được điều này thời gian qua, xã Kim Bình đã chú trọng thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Qua đó tạo sự đoàn kết, tập hợp các hội viên nông dân thuộc cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tổ chức hoạt động nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Đến nay Hội Nông dân xã đã thành lập được 03 tổ hội nông dân nghề nghiệp, gồm: Tổ chăn nuôi ốc, tổ trồng gấc và tổ chăn nuôi lợn đen thả đồi, mỗi tổ có từ 11 - 20 thành viên tham gia. Thông qua việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các hội viên nông dân đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển sản xuất, từ đó giúp tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của hội viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Không chỉ vậy, trong lộ trình về đích nông thôn mới nâng cao, xã Kim Bình luôn chú trọng phát huy vai trò của các Hợp tác xã trên địa bàn nhằm cơ cấu lại sản xuất, liết kết bao tiêu sản phẩm. Các mô hình sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết của xã, như: mô hình trồng chanh leo liên kết với Công ty cổ phần Tập đoàn NaFoods; mô hình trồng chuối tiêu liên kết với Công ty cổ phần Cát Tường; sản phẩm gấc được bao tiêu bởi Công ty TNHH Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (Vinaga); mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Bình.

Với quy mô ban đầu là 1.200 m2 nhà lưới, đến nay đã nâng lên 2.700 m2. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của Hợp tác xã nông lâm nghiệp Kim Bình đang là mô hình điểm của huyện trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ưu điểm của hệ thống nhà màng là giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm trong vườn. Để phòng bệnh và bảo đảm sản phẩm an toàn nên chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để bón cho vườn dưa. Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 65 - 70 ngày; mỗi quả dưa đến kỳ thu hoạch có trọng lượng từ 1,2 - 2,0 kg. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển khá tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt khoảng 8,8 tấn/vụ. Với quyết tâm, nỗ lực phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đến nay, diện mạo nông thôn ở Kim Bình ngày càng đổi mới theo hướng tích cực, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn 18,35%.

Xác định Môi trường là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kim Bình vừa tổ chức ra mắt mô hình “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” tại chi hội phụ nữ thôn Kim Quang để tuyên truyền về việc thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”; hướng dẫn hội viên thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm Sumitri; đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” gắn với Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thông qua nhiều việc làm thiết thực của hội viên Hội Phụ nữ như: Tổ chức trồng tuyến đường hoa mẫu dài 120m, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Chiêm Hoá xây dựng công trình “Thắp sáng đường quê” tại thôn Kim Quang, xã Kim Bình trị giá 5.000.000đ; thành lập các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng hầm bể Biogas gắn với giảm nghèo. Từ đó, tạo sức lan tỏa, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm và phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong việc nâng cao chất lượng của các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ngoài việc nâng chất các tiêu chí về Thu nhập, Môi trường, cấp uỷ chính quyền xã cũng đặc biệt quan tâm đến đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; nhiều tổ, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ, thể thao được thành lập như: Câu lạc bộ hát then, đàn tính, Câu lạc bộ bóng đá nữ… thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đặc biệt với Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình nơi tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội Đảng lần đầu tiên được tổ chức ở trong nước, hằng năm thu hút hàng chục nghìn du khách khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan, học tập, tìm hiểu lịch sử, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đây chính là yếu tố quan trọng vừa để Kim Bình tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa có tác động tích cực đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, gắn với việc triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Với cách làm sáng tạo, bài bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng của người dân cùng với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng Kim Bình sẽ về đích nông thôn mới nâng cao theo đúng kế hoạch./. 

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục