Xây dựng nông thôn mới ở huyện thuần nông

Chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp được huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) xác định là một trong những giải pháp quan trọng giúp địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hàng hóa; liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Người dân xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) ứng dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: QUANG THÁI

Huyện Quốc Oai bắt tay vào xây dựng NTM khi hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có điểm xuất phát khá thấp. Ðể tháo gỡ khó khăn, lãnh đạo huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện các xã, thị trấn, trực tiếp đối thoại với nhân dân để nghe hiến kế, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế của một huyện thuần nông, đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM. Xác định muốn xây dựng NTM thành công, trước tiên cần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân, huyện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp. Ðến nay, huyện đã phê duyệt quy hoạch 16 vùng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với diện tích 2.702 ha. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 1.461 tỷ đồng, chiếm 15,2% cơ cấu kinh tế của huyện.

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó kinh tế trang trại được xem là mũi đột phá, từng bước khẳng định là mô hình phát triển kinh tế nông thôn khá hiệu quả ở Quốc Oai. Số lượng trang trại, gia trại tăng mạnh, toàn huyện có 400 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 500 gia trại. Ngoài ra, nhiều xã thực hiện thành công các mô hình chuyển đổi như trồng cây ăn quả, nuôi thả cá... cho thu nhập bình quân hơn 350 triệu đồng/ha... Ðáng chú ý, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều trang trại đã ký hợp đồng với các công ty trên địa bàn như: CP, Jafa, Indo, Gudunsta, Hanvet, Emivec… với mô hình chăn nuôi khép kín, từ con giống, sản xuất thức ăn, kết hợp với kỹ thuật chăn nuôi hiện đại và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, bảo đảm hơn 8.000 con lợn, 360.200 con gia cầm có đầu ra ổn định…

Gia đình ông Nguyễn Văn Diện, một trong những hộ nông dân xã Ðại Thành đạt được nhiều thành công trong lai tạo và phát triển cây nhãn muộn cho biết, hiện gia đình có hơn hai mẫu ruộng trồng nhãn muộn, sản lượng từ bảy đến chín tấn/vụ. Với giá bán bình quân từ 40 đến 50 nghìn đồng/kg (dự kiến năm 2019 có thể lên đến 80 nghìn đồng/kg), sau khi trừ chi phí gia đình ông Diện thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/tấn. So với lúa, nhãn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, chưa kể nhiều hộ gia đình còn thành công với mô hình xen canh nhãn và bưởi cho thu nhập hàng chục triệu đồng/sào bưởi/vụ.

Chủ tịch UBND xã Ðại Thành Lý Ðình Quang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, xã đã thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi được 208 ha. Trong đó, tổng diện tích trồng nhãn muộn lên đến 160 ha, với 120 ha đang cho thu hoạch. Dự kiến, năm 2019 sản lượng ước đạt 800 đến 1.000 tấn quả. Doanh thu khoảng 200 đến 250 triệu đồng/ha, cao gấp 10 đến 15 lần so với trồng lúa. Hiện UBND xã đang phối hợp các cơ quan chức năng của huyện, thành phố xúc tiến công tác đầu tư, quảng bá sản phẩm nhãn muộn Ðại Thành cả trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, xã cũng tổ chức tập huấn cho người dân quy trình sản xuất nhãn muộn theo tiêu chuẩn VietGAP hướng đến chuỗi sản xuất an toàn.

Sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm được xem là hướng đi đúng của huyện Quốc Oai. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, huyện sẽ đẩy mạnh, khuyến khích và hỗ trợ cơ chế, chính sách và kinh phí xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả thực hiện chuỗi liên kết bền vững trong nông nghiệp.

Từ chỗ còn nhiều khó khăn, đến nay, tất cả các xã trong huyện đã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, thu nhập bình quân toàn huyện đã đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,46%. Trong chín tiêu chí đánh giá huyện NTM, Quốc Oai đã có bảy tiêu chí đạt và hai tiêu chí cơ bản đạt là môi trường và trường học. Cùng với việc tổ chức tổng vệ sinh môi trường tại 21 xã, thị trấn; huyện cũng kiến nghị thành phố tạo cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng hai trường trung học phổ thông để hoàn thành tiêu chí trường học, đủ điều kiện đạt chuẩn huyện NTM.

Coi trọng việc nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn với mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người, huyện Quốc Oai đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng NTM, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chỉ khi đời sống nhân dân được nâng cao, những mục tiêu và ý nghĩa mà chương trình xây dựng NTM đề ra mới có sức lan tỏa và được cộng đồng hưởng ứng mạnh mẽ.

Bài, ảnh: Sơn Hà/Báo Nhân dân điện tử

Tin cùng chuyên mục