Xây dựng nông thôn mới ở miền núi phía Bắc : Mười năm nhìn lại

Một trong những điểm nổi bật sau 10 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình NTM) ở 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đó là, nhận thức về xây dựng NTM của người dân ngày càng được nâng lên và có nhiều sáng tạo, tích cực trong xây dựng NTM.

Hạ tầng kinh tế được cải thiện rõ rệt

Theo Báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, đến hết tháng 6/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn NTM; toàn vùng không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.


Đoàn viên thanh niên tham gia làm đường giao thông nông thôn tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Một số tiêu chí nổi bật đó là, toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000km đường giao thông nông thôn; Mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã trong khu vực; 40,3% số xã hoàn thành tiêu chí giao thông; 85% số xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi; 78,6% số xã hoàn thành tiêu chí điện; 43,6% số xã hoàn thành tiêu chí trường học; 69,6% số xã hoàn thành tiêu chí y tế…

Ngoài yếu tố kinh tế, chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát triển, những hủ tục, mê tín, dị đoan cũng từng bước bị xóa bỏ. Nhiều Lễ hội truyền thống được khôi phục, phát huy, như Lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang, Lễ hội trái cây ở Bắc Giang, Lễ hội hoa ban ở Điện Biên. Bảo tàng Đồng quê ở Giao Thuỷ (Nam Định), Bảo tàng Nông cụ và Trò chơi dân gian, Khu du lịch trải nghiệm ở Phong Giang (xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh)…

Người dân phát huy vai trò chủ thể

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ nêu trên, trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM, phần lớn các địa phương đã lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, lấy tiêu chí nâng cao thu nhập làm chủ đạo, từ đó phát huy vai trò chủ động của người dân trong xây dựng NTM.


Xã Mường Phăng, tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới

Chỉ tính trong 3 năm (2016-2018), nguồn lực đóng góp của người dân trong thực hiện NTM chiếm khoảng 6,9% (tương đương 56.799 tỷ đồng) trong tổng nguồn lực huy động khoảng 820.964 tỷ đồng. Nguồn vốn doanh nghiệp đóng góp chiếm 4,81%. Nguồn đóng góp của người dân chiếm 11,71%. Chỉ tính riêng vai trò đóng góp của người dân trong các công trình cấp thôn, bản đã chiếm từ 40-50%. Điều đó cho thấy, sự tham gia của người dân từ cơ sở là rất tích cực.

Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, nhiều địa phương đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay xây dựng NTM. Điển hình như tại Hòa Bình, nhờ phát huy tốt vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 63 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 32,98% số xã, đi đầu khu vực Tây Bắc và đứng thứ 3 so với khu vực trung du miền núi phía Bắc. Bình quân tiêu chí nông thôn mới các xã của tỉnh Hòa Bình đã đạt 13,88 tiêu chí/xã; thành phố Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018 (hoàn thành chỉ tiêu một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM trước 2 năm theo Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020, ngày 3/8, tại Hòa Bình, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việc xây dựng NTM là quá trình lâu dài, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu. Người dân phải là chủ thể của việc xây dựng NTM. Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả xây dựng NTM chính là thước đo chính xác để đo sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đời sống Nhân dân; do đó ngày càng phải chú trọng hơn để kiện toàn lại bộ máy xây dựng NTM các, phấn đấu thực hiện ngày càng tốt hơn các tiêu chí xây dựng NTM, vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Sau 10 năm xây dựng NTM, cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ; huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn).

Bài, ảnh: Hoàng Thanh/Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục