Đã có 17 làng nghề truyền thống phát triển gắn với du lịch

Đó là kết quả rà soát của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội về công tác xây dựng sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

Làng nghề Bát Tràng luôn thu hút khách du lịch bởi những sản phẩm mang đặc trưng của Hà Nội

Theo đó, trên địa bàn thành phố có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong danh mục dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch.Hà Nội xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống là một thế mạnh, vì vậy, đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch… 

Đáng chú ý, ngành Công Thương đã đẩy mạnh hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó, có việc kết nối một số tour du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm tại phòng trưng bày. Đồng thời, Sở đã hỗ trợ 30 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới với tổng số 186 mẫu sản phẩm mới được tạo ra, trong đó có 46 mẫu sản phẩm phục vụ du lịch…

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố cũng đã chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch sinh thái gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các trang trại, các cơ sở du lịch sinh thái gắn với môi trường và sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, nhiều tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng và hình thành các điểm du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, đem về doanh thu hàng tỷ đồng.

Xác định việc nâng cao kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư là quan trọng trong xây dựng hình ảnh điểm đến, giai đoạn 2016-2018, các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã tổ chức được 27 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho gần 2.500 người dân, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch. Bước đầu, trên địa bàn thành phố đã tổ chức được một số xã trọng điểm về phát triển du lịch, như: Cổ Loa, Thụy Lâm (huyện Đông Anh), Cổ Đô, Vân Hòa (huyện Ba Vì), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Mê Linh (huyện Mê Linh), Vân Từ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), Hồng Vân (huyện Thường Tín), Thạch Xá (huyện Thạch Thất)...

Thành phố cũng đã cho phép nghiên cứu xây dựng đề án “Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc”; triển khai đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội để tạo sức hấp dẫn của điểm đến…

Ngoài ra, các sở, ngành thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo các sản phẩm tour du lịch chất lượng…

Bài, ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Tin cùng chuyên mục