Phát huy vai trò của Hợp tác xã để thực hiện thành công tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương.

Mô hình sản xuất chè của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang

Trong giai đoạn 2017-2023, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX đã góp phần vào cơ cấu lại nền nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động trong tỉnh. Nhiều HTX đã mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển thêm các dịch vụ mới gắn với chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 444 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhìn chung, hoạt động các HTX có nhiều chuyển biến tích cực giúp các thành viên gắn kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị và mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu đã có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm. Tiêu biểu như một số HTX: Hợp tác xã Sơn Trà, HTX chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, Hợp tác xã sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung…

Phát huy vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 133 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP với 183/248 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên, chiếm tỷ lệ 73,8%; có 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó có 45 HTX với 530,7 ha được tổ chức trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 10 HTX tổ chức chăn nuôi VietGAHP; 02 HTX tổ chức sản xuất cá VietGAP); 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm.

Các HTX trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, phát triển về tổ chức và thành viên; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã đa dạng hơn, bước đầu tạo được hiệu quả, hỗ trợ kinh tế hộ gia đình phát triển. Sự ra đời của các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm sẽ góp phần tạo việc làm thường xuyên cho người lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội. Tuy nhiên, để phát huy vai trò của HTX góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, trong thời gian tới cần tập trung sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước đối với HTX; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về HTX, các mô hình HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả, điển hình. Ngoài ra, việc tập trung các nguồn lực, vận động, hướng dẫn các HTX hoạt động hiệu quả cũng cần đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, việc thành lập mới HTX phải trên cơ sở nhu cầu của người dân, bảo đảm được lợi ích của các thành viên tham gia, tránh thành lập nóng vội, hình thức; việc hoạt động phải bảo đảm đúng theo quy định Luật và các văn bản hướng dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn./.

 

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục