Lâm Bình phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế nông thôn

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vùng cao Lâm Bình đã phát huy lợi thế, chú trọng phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng riêng có của từng địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ gia đình ngày càng có ý thức xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm OCOP. Việc phát triển nhiều sản phẩm có giá trị cao gắn với phát triển du lịch đã đem lại nguồn thu nhập ổn định, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Những sản phẩm OCOP tiêu biểu của HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình

HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình (Lâm Bình) có 4 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó có 3 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao. Theo ông Ma Ngọc Thành, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình, HTX hiện có 7 thành viên chính thức và 100 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu trên 100 ha lạc, duy trì trên 1 nghìn con dê và trên 250 ha chè Shan… Nhờ thay đổi phương thức sản xuất, sản lượng các sản phẩm của HTX cao gấp 2 lần so với hình thức sản xuất nhỏ lẻ so với trước kia. Thời gian tới, HTX sẽ không ngừng hoàn thiện, nâng cao sản phẩm đáp ứng các tiêu chí OCOP, đồng thời chú trọng, đẩy mạnh khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX đến thị trường trong và ngoài tỉnh.

Huyện Lâm Bình hiện có 31 sản phẩm OCOP được công nhận cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm chất lượng 4 sao, 28 sản phẩm chất lượng 3 sao, bao gồm các loại sản phẩm như: Rượu men lá, chè Khau Mút, cá Lăng, thịt Dê...  Mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.

Có thể khẳng định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” về cơ bản đã làm thay đổi nhận thức của người dân, các HTX trong quan điểm sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình đã tạo được sự lan tỏa và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều sản phẩm được công nhận OCOP đã khẳng định vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận như: Sản phẩm Giảo cổ lam Lâm Bình của HTX Nông lâm nghiệp Vinh Hoa, Chè Shan Khau Mút của HTX Đồng Tiến, Lạc nhân Thổ Bình của HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình, Thịt chua lợn đen của HTX Nông lâm nghiệp Duy Vượng…

Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Lâm Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ là khâu đột phá, điểm nhấn là đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện trở thành kinh tế mũi nhọn, từng bước giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Sản phẩm OCOP của huyện Lâm Bình được bày bán tại Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Tuyên Quang 2023 

Ông Quan Văn Phùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình bảy tỏ, để phát huy thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các tập thể, cá nhân trong sản xuất kinh doanh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của địa phương và sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đến tay người tiêu dùng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Qua đó, góp phần khẳng định được lợi thế các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh/tuyenquang.gov.vn

Tin cùng chuyên mục