Lâm Bình tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng nông thôn mới

Lâm Bình là một huyện vùng cao phía bắc của tỉnh, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang khoảng 150km, huyện có 08 đơn vị hành chính trực thuộc với tổng diện tích 78.496,74 ha, dân số trên 33 nghìn người, với trên 10 dân tộc cùng sinh sống xen kẽ ở 70 thôn, bản. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa đặc trưng. Năm 2011, huyện bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với xuất phát điểm thấp, số tiêu chí đạt bình quân/xã mới chỉ 3,5 tiêu chí, hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao 67,13%.

Xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, huyện luôn đề cao, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cấp, các ngành. Ngay từ khi triển khai thực hiện, huyện đã ban hành Chương trình hành động, Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, bộ máy chỉ đạo, điều hành từ huyện đến xã, thôn, bản được thành lập.

Đối với cấp huyện, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; thành lập Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp huyện để giúp việc cho Ban Chỉ đạo; cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, cùng với đó, Ban Quản lý, điều hành xây dựng nông thôn mới được thành lập do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Đối với thôn, bản thành lập Ban phát triển thôn, bản do đồng chí Bí thư Chi bộ làm Trưởng ban. Từ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Công tác tổ chức thực hiện được huyện triển khai bài bản, đồng bộ, xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với từng địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng tiêu chí, coi đây là những tiêu chí kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức. Đặc biệt đối với các xã nằm trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới, huyện lựa chọn, biệt phái những cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm thuộc các phòng, ban chuyên môn xuống từng thôn, bản hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện Chương trình, đồng thời làm cầu nối giúp Ủy ban nhân dân huyện kịp thời nắm bắt tình hình ở cơ sở, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo, điều hành sát với thực tế, hợp lòng dân.

Với việc làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, số tiêu chí đạt bình quân/xã đạt 13,4 tiêu chí (tăng 9,9 tiêu chí so với năm 2011), đến nay có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ xã đạt chuẩn 37,5%), không có xã dưới 7 tiêu chí.


Nhà văn hóa và Trụ sở UBND xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình được đầu tư xây dựng đạt chuẩn năm 2015

Hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn tiếp tục được chú trọng ưu tiên nguồn lực để xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Kinh tế nông thôn có sự chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất, bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm (mô hình nuôi trâu vỗ béo, chăn nuôi dê, trồng lạc), đến hết năm 2018 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 19,5 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 2,3 lần so với năm 2011, tương đương mức tăng 11,0 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 70,19% năm 2011 xuống còn 40,19% năm 2018 (giảm 30% so với năm 2011, bình quân giảm 3,75%/năm). Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, nhiều địa phương đã biết tận dụng và phát huy lợi thế để phát triển kinh tế du lịch, nhất là mô hình du lịch cộng đồng (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can,…). Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, vai trò của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới được phát huy, nâng cao; an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.


Diện mạo đổi thay trên quê hương Lâm Bình

Đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy, huyện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, trong đó có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Trong thời gian tới, huyện cũng xác định rõ để thực hiện có hiệu quả Chương trình cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ huyện đến cơ sở về Chương trình xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, gắn với đó là biểu dương các mô hình hay, cách làm mới, các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục