Cây Lạc mang lại cuộc sống ấm no cho người dân xã Phúc Sơn.

Trong nhiều năm qua, việc phát triển cây lạc gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã được huyện Chiêm Hóa quan tâm triển khai thực hiện. Đặc biệt với địa bàn xã Phúc Sơn thì cây lạc thực sự là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất cho bà con nông dân trên địa bàn xã.

Tham quan sản xuất lạc tại hộ gia đình ông Ma Doãn Đằng, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn

Phúc Sơn là một xã vùng cao của huyện Chiêm Hóa cách trung tâm huyện 25 km, có tổng diện tích đất tự nhiên 9.090,85 ha. Toàn xã có 16 thôn bản với 1.853 hộ và 7.806 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90%. Là xã thuần nông nên kinh nghiệm của người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp đã được đúc kết qua nhiều thế hệ. Vì vậy một số cây trồng, vật nuôi ở địa phương có sản lượng và giá trị cao hơn địa phương khác, tiêu biểu như cây lạc. Đến nay Phúc Sơn đang là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất của huyện Chiêm Hóa, với trên 704ha, sản lượng trên 2.200 tấn/năm, giá trị kinh tế gần 40 tỷ đồng.

Ông Ma Doãn Đằng, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn cho biết “nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng cây lạc ở địa phương, thời gian qua lãnh đạo xã Phúc Sơn đã chỉ đạo các thôn, các tổ chức đoàn thể phối họp với cán bộ khuyến nông huyện và xã tuyên truyền vận động nhân dân triển khai một số biện pháp kỹ thuật gieo trồng mới đối với cây lạc như: thực hiện chọn lọc, nhân giống lạc L14 nguyên chủng có chất lượng và năng xuất cao; thực hiện thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa gắn với an toàn lao động; tổ chức cho một số hộ trồng lạc tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm sản xuất lạc ở một số tỉnh như Bắc Giang, Hà Tĩnh”.

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm những ruộng lạc sắp cho thu hoạch ở thôn Bó Ngoặng, ông Ma Phúc Giải, Giám đốc Hợp tác xã NLN Phúc Sơn cho biết “để nhân dân tin tưởng và làm theo cách làm mới, năm 2018, Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Phúc Sơn đã triển khai làm thí điểm trên cùng một diện tích 1.000m2 giữa trồng lạc theo cách truyền thống của người dân (làm đất, trồng, chăm sóc, bón các lại phân, vun, sới theo thời vụ bình thường mà người dân thường thực hiện) với trồng lạc có áp dụng khoa học, kỹ thuật (làm đất, bón phân các loại, trồng, che phủ nilon, có thăm nom nhưng không phải làm cỏ, vun sới). Kết quả sau khi thu hoạch, sản lượng lạc trồng trên diện tích có áp dụng khoa học, kỹ thuật cho sản lượng cao hơn, đạt 840 kg, trong khi sản lượng lạc trồng theo cách truyền thống chỉ đạt 620 kg. Với giá bán lạc tươi như hiện nay là chênh 1,76 triệu đồng/1.000 m2. Với kết quả tốt hơn như vậy, từ đó đến nay các hộ dân trồng lạc trên địa bàn xã Phúc Sơn đã áp dụng cách trồng mới, có che phủ nilon.


Người dân thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn đang thu hoạch lạc

Thời gian qua, để bà con nhân dân trong xã và vùng lân cận chuyên tâm sản xuất, đồng thời góp phần phát triển vùng chuyên canh cây lạc, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phúc Sơn đã làm tốt việc bao tiêu sản phẩm, mỗi năm HTX thu mua sấp xỉ 300 tấn lạc tươi của thành viên, hộ nông dân, với giá bình quân từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn so với giá các tiểu thương, thương lái vào thu mua từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Với số lượng lạc thu mua được, ngoài cung cấp cho các cơ sở sản xuất ở các tỉnh như Ninh Bình, Cao Bằng, Hợp tác xã đã triển khai xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu chủ yếu dựa vào tư thương, qua nhiều bước trung gian nên giá trị gia tăng chưa cao và ổn định.

Ông Ma Phúc Giải cho biết thêm “Hợp tác xã NLN Phúc Sơn đang hoàn tất các thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm tinh dầu lạc Phúc Sơn, qua đó dần chuyển hướng sang chế biến sản phẩm, không phụ thuộc vào việc xuất thô, nâng cao giá trị của sản phẩm lạc địa phương. Bên đó, HTX xã đã thành lập 02 tổ hợp tác phát triển sản xuất tại thôn Phiêng Tạ và thôn Búng Pẩu với gần 40 hộ tham gia và thực hiện theo đúng quy trình đảm bảo theo quy định. Các hộ, thành viên thực hiện theo quy trình chung, khép kín, từ mua vật tư, phân bón, áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc mới đến khi thu hoạch, bảo quản sản phẩm và xuất bán tập trung. Từ đó tạo thành một chuỗi liên kết, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất, vừa thuận tiện trong việc giám sát quy trình canh tác, đảm bảo an toàn lao động cho người sản xuất.

Hoạt động phát triển sản xuất cây lạc ở Phúc Sơn đã và đang đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (Ocop), đồng thời đây cũng là cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục