Cuộc sống mới ở thôn Tân Quang

Thôn Tân Quang, xã Tuân Lộ (Sơn Dương) sau 5 tháng được sáp nhập từ thôn Móc Ròm và thôn Vực Lửng, người dân đã ổn định được “ngôi nhà chung” cùng chung sức xây dựng nhà văn hóa thôn, thi đua phát triển kinh tế.

Nhà văn hóa thôn Tân Quang vừa hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng tháng 8 - 2019 có diện tích 500 m2 bao gồm cả khuôn viên. Tổng số tiền đầu tư trên 600 triệu đồng từ 3 nguồn là ngân sách của tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ hơn 200 triệu đồng và nhân dân đóng góp trên 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Tiến Tòng, Phó thôn cho biết, sáp nhập thôn xong là thôn tiến hành làm nhà văn hóa. Cán bộ 2 thôn đã đi vận động người dân để làm, cán bộ gương mẫu thực hiện trước. Vì thế, nhiều hộ dân ngoài đóng góp đã ủng hộ thêm để mua trang thiết bị nhà văn hóa như hộ ông Lý Văn Đông ủng hộ 3,8 triệu đồng, ông Đàm Văn Hạnh ủng hộ 1 triệu đồng…


Mô hình nuôi gà đẻ trứng của anh Hoàng Văn Tâm, thôn Tân Quang, 
xã Tuân Lộ thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Bản thân ông Tòng, trước khi sáp nhập thôn là Bí thư Chi bộ thôn Móc Ròm, sau sáp nhập đã tình nguyện làm phó thôn giúp bí thư chi bộ, trưởng thôn mới vận động nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới, ổn định các hoạt động của thôn sau sáp nhập. Ông Tòng còn là điển hình trong phát triển kinh tế của thôn với trên 1 ha bưởi ngọt đã bắt đầu cho thu hoạch, chăn nuôi trâu sinh sản, lợn thương phẩm…, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. 

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đàm Văn Hạnh cho biết: Thôn hiện có 141 hộ với trên 500 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người Tày, Cao Lan, Kinh. Do diện tích đất lúa ít, bà con dựa vào đất đồi để canh tác, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Quá trình sản xuất, bà con trong thôn đã cải tạo nhiều diện tích đất canh tác để trồng được lúa 2 vụ; đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng như cây keo, bạch đàn... Đến nay, diện tích đất rừng của thôn có gần 200 ha, đàn gia súc cũng phát triển với 160 con trâu, 110 con bò. Thôn hiện còn 6 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Khi đời sống của người dân trong thôn đã được nâng cao, bà con đã nghĩ tới việc làm giàu. 

Gia đình anh Hoàng Văn Tâm là hộ có mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ trứng với quy mô lớn. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh đã mày mò học kỹ thuật nuôi gà thương phẩm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế ổn định, anh đã làm chuồng trại, ngăn các ô bằng xi - măng và tiến hành nuôi quy mô lớn. Trong chuồng của gia đình anh hiện có hơn 1.000 con gà đẻ trứng. Anh Tâm chia sẻ: Trung bình anh nuôi từ 3 - 4 tháng/lứa gà thương phẩm, bán với giá từ 55.000 - 60.000 đồng/1kg, trọng lượng 2 - 3 kg/con. Có thời điểm anh nuôi tới 3.000 con gà, chuồng trại được đầu tư xây dựng bài bản. Thức ăn cho gà được anh nhập ở một công ty có uy tín. Theo anh Tâm, chăn gà quan trọng nhất là phòng dịch bệnh, chuồng gà phải khô và sạch thì sẽ ít tổn thất khi chăn nuôi.

Cuộc sống của người dân thôn Tân Quang sau sáp nhập đã ổn định, người dân trong thôn phấn khởi lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng đời sống ở khu dân cư. Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đàm Văn Hạnh, thôn hiện có địa bàn rộng tới 400 ha diện tích tự nhiên, dân cư phân bố thưa nên khi có việc cán bộ thôn phải chia nhau làm nhiệm vụ. Trong thời gian tới, thôn sẽ tiến hành kiện toàn lại các tổ chức đoàn thể để làm tốt hơn công tác vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục