Phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới ở Yên Sơn

Thời gian qua, cấp ủy đảng chính quyền trên địa bàn huyện luôn xác định để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn của huyện cần phải tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, lựa chọn các sản phẩm chủ lực để làm “đòn bẩy” trong việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí Kinh tế và Tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Sơn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 3,06 tiêu chí/xã. Với sự cố gắng của người dân và sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền sau 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn huyện có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình các xã đạt 13,23 tiêu chí/xã, tăng 10,17 tiêu chí so với năm 2010. Đến hết năm 2019, phấn đấu toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt trên 14,5 tiêu chí/xã, trong đó có 02 xã Thái Bình, Mỹ Bằng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Người dân xã Lực Hành thu hoạch na

Đây là kết quả của sự nỗ lực, đồng lòng giữa chính quyền và nhân dân các địa phương chung tay xây dựng các tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, huyện cũng xác định rõ việc hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là bước khởi đầu, tạo động lực cho các xã tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí hướng đến mục đích cuối cùng là nâng cao mức thụ hưởng cho người dân nông thôn. Trong đó, thu nhập là tiêu chí có tác động chi phối đến các tiêu chí khác và dễ biến động. Để nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy đảng chính quyền các cấp từ huyện đến xã, thôn tiếp tục quan tâm tổ chức lại sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu qủa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân được huyện đặc biệt quan tâm và được triển khai thực hiện linh hoạt trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và lồng ghép các các chương trình, dự án trên địa bàn. Hiện nay, huyện đang tập trung thực hiện một số đề án, dự án phát triển sản xuất như: Đề án thay thế vườn chè già cỗi và liên doanh liên kết vùng nguyên liệu chè; Đề án phát triển vùng bưởi tập trung chất lượng cao xã Xuân Vân; Đề án cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao tại xã Thái Bình; Đề án phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; Đề án phát triển chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hóa…

Là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, huyện Yên Sơn luôn chú trọng phát triển kinh tế hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thu nhập cho nông dân.  Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 17 nhãn hiệu hàng hóa nông nghiệp: Rượu gạo men lá Tiến Huy xã Hùng Lợi; Miến dong Hợp Thành xã Lực Hành; Miến dong Hảo Hán xã Nhữ Hán; Gạo chất lượng cao, Mỳ khô Thuận Yến xã Kim Phú; Bưởi đặc sản Phúc Ninh xã Phúc Ninh; Rượu Chín Chum, Bưởi đường Xuân Vân, Hồng ngâm Xuân Vân xã Xuân Vân; Gà chất lượng cao, Chè Bát tiên, Chè Tháng 10, Trứng gà sạch Bùi Hùng, Táo sạch Yến Minh xã Mỹ Bằng; Nhãn Bình Ca xã Thái Bình; Chè Ngọc Thúy Sử Anh xã Phú Lâm; huyện có 242 trang trại với 209 trang trại  tổng hợp, 21 trang trại chăn nuôi, 04 trang trại lâm nghiệp, 08 trang trại trồng trọt.


Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh

Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ và có hiệu quả từ khâu lập kế hoạch đến tổ chức thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,1% năm 2011 xuống còn 4,72% năm 2015. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 12,31%. Dự kiến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 9% (theo chuẩn nghèo mới). Đến nay toàn huyện có 14/30 xã đạt tiêu chí. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,7%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 33%.

Để huyện Yên Sơn đạt được kết quả như vậy trong thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm năng động sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với những kết quả tương đối toàn diện, nổi bật, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thuần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 26,8 triệu đồng/người/năm, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ như: hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, các thiết chế về văn hóa phục vụ  nhu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân./.

Nguyễn Thị Thu Hương/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục