Sơn Dương phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Thực hiện lời căn dặn của Bác: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn là của dân…” các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Dương đã chú trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận, khơi thông nội lực chung tay xây dựng nông thôn mới.
Đường bê tông nội đồng thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương (Sơn Dương) vừa hoàn thành theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.

Người dân thôn Đông Ninh, xã Đông Thọ tự nguyện phá rào, dỡ cổng, chặt cây, hiến đất để mở rộng đường DH04. Ông Phạm Duy Chung, Bí thư Chi bộ thôn Đông Ninh cho hay: Đoạn đường DH04 qua thôn dài 1,2 km, người dân hiến  5.000 m2 đất để mở đường rộng 5 m. Có được kết quả này là cấp ủy, chính quyền thôn đã họp bàn, lấy ý kiến của người dân trước khi xã, huyện quyết định đầu tư tuyến đường. Người dân đồng thuận cao và nhất trí hiến đất để tạo điều kiện, chung tay cùng với Nhà nước làm đường phục vụ lợi ích phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bà Đinh Thị Ban, người dân thôn Đông Ninh chia sẻ, khi huyện đầu tư tuyến đường này đã công khai đến người dân và nói rõ nguồn vốn đầu tư, không có quỹ đền bù mà vận động người dân ủng hộ. Chính vì dân chủ, công khai minh bạch nên người dân hiểu được cái khó chung và vì thế cũng muốn chung sức để hoàn thành mục tiêu kiên cố con đường. Riêng gia đình bà Ban hiến hơn 200 m2 và đập bỏ tường rào trị giá cả chục triệu đồng.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Đông Thọ Trần Hữu Sơn khẳng định: Phát huy dân chủ, công khai minh bạch là “chìa khóa” triển khai thành công việc huy động cùng chung sức xây dựng hạ tầng nông thôn. Với cách làm này, xã đã có 173 hộ tham gia hiến trên 17.200 m2 đất, trong đó có 20 hộ đã hiến gần 800 m2 đất thổ cư để làm 5 km đường DH04 qua địa bàn, giúp nhân dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế, xã hội.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở. Ở xã Phú Lương, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng chính là “đòn bẩy” xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Lý Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết: Xã đã chú trọng thực hiện nguyên tắc công khai và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tất cả các phần việc liên quan đến xây dựng hạ tầng nông thôn đều do người dân tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, thống nhất. Kinh phí đầu tư xây dựng, các khoản thu, chi đều được quản lý chặt chẽ, thông báo công khai qua hệ thống truyền thanh... Đối với tiêu chí giao thông, sau khi xã phổ biến chủ trương, mức hỗ trợ của cấp trên, hướng dẫn về kỹ thuật, các khu dân cư tự tổ chức họp bàn, căn cứ tình hình thực tế thống nhất phương án giải phóng mặt bằng, đưa ra mức đóng góp phù hợp, trực tiếp xây dựng và giám sát chất lượng công trình. Nhờ phát huy dân chủ, nhân dân đã đồng tình và tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, đưa xã đạt 15 tiêu chí nông thôn mới với tổng nguồn vốn huy động trên 40 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng. 

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huyện Sơn Dương đã khơi dậy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về hạ tầng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện kiên cố hóa trên 120 km kênh mương, bê tông hóa 90 km đường giao thông nội đồng, xây dựng 115 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên. Huyện có 5 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới, 18 xã đạt từ 10 - 16 tiêu chí, 10 xã đạt từ 7 - 9 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 13 tiêu chí/xã.   

Bài, ảnh: Trang Tâm/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục