Tâm sức của những cán bộ biệt phái

Khắc phục khó khăn, chủ động nghiên cứu, trau dồi kiến thức, bằng sự nhiệt huyết, các cán bộ được biệt phái về thành phố Tuyên Quang đã hỗ trợ đắc lực để cấp ủy, chính quyền xã Thái Long và Đội Cấn hoàn thành các tiêu chí, cán đích nông thôn mới đúng thời hạn. Trải qua thực tiễn, các cán bộ được rèn luyện, trưởng thành hơn về mọi mặt.

Anh Nguyễn Hoàng Dương (bên phải), cán bộ biệt phái xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) xuống cơ sở nắm tình hình tại thôn 5. 

1. Tháng 1-2018, anh Ma Anh Dũng, Chánh Thanh tra Ban Dân tộc và anh Nguyễn Hoàng Dương, Phó chánh Văn phòng Sở Tài chính được biệt phái về 2 xã Thái Long, Đội Cấn (TP Tuyên Quang) để giúp 2 xã này theo dõi và hoàn thiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. “Đang là cán bộ, chuyên viên của sở, ngành, về công tác tại địa phương, những bỡ ngỡ khi giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến nhân dân là điều không thể tránh khỏi”. Cả hai cán bộ đều thú thật như vậy.

Anh Dương chia sẻ, khi mới về xã Đội Cấn, điều trước tiên là anh phải hỏi để nắm chắc về số thôn, số nhân khẩu, tìm hiểu xem thôn nào còn hạn chế, khó khăn nhất và nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Đồng thời, anh tìm đến từng nhà, gặp những người có uy tín ở thôn, xã để tìm hiểu đời sống, bản sắc văn hóa của bà con nơi đây. Từ đó anh có thể nắm rõ những quy ước, hương ước của từng thôn, học hỏi kinh nghiệm để tuyên truyền, vận động nhân dân. Chịu khó đi cơ sở nên chỉ sau vài tháng về xã, từng ngõ, ngách trên địa bàn anh đều nắm trong lòng bàn tay. Cũng chính những lần đi cơ sở như vậy, anh đã kịp thời tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã trong việc xây dựng kế hoạch và giải pháp liên quan đến xây dựng nông thôn mới. 

Đối với anh Dũng, từ khi xuống cơ sở, anh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi theo anh, phải nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới tuyên truyền, vận động được người dân. Được biệt phái về cơ sở, anh biết thêm nhiều điều, như những khó khăn của nhân dân địa phương, những chính sách phát triển kinh tế cần được triển khai để giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó, anh đã rút ra được bài học là khi tiếp xúc và giải quyết các vấn đề liên quan đến nhân dân, người cán bộ phải thật khách quan, phải nghe từ hai phía, phải tìm hiểu rõ ý kiến phản ánh của nhân dân để đối chiếu với văn bản, chính sách, từ đó giải thích cho người dân hiểu, vận động nhân dân thực hiện, làm theo.


Anh Ma Anh Dũng (đứng đầu tiên bên phải) cán bộ biệt phái  xã Thái Long (TP Tuyên Quang) 
luôn sâu sát cơ sở, kiểm tra tình hình sản xuất của người dân.  

2. Chiếc xe máy của anh Dương bon bon trên tuyến đường bê tông, dẫn tôi luồn lách qua khắp các ngõ để vào thôn 5 (thôn Khe Cua 2 cũ), xã Đội Cấn. Nơi có hơn 1 km đường bê tông đã được hoàn thành từ sự góp sức tích cực của anh Dương. Bên ngôi nhà văn hóa thôn khang trang, ông Nịnh Văn Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 5 kể về “trận chiến” làm đường của thôn như một “kỳ tích”. Ông bảo, đây là thôn khó khăn nhất xã. Thôn có 135 hộ, 525 nhân khẩu nhưng có 98% là người dân tộc Cao Lan.

Năm 2018, thôn có chủ trương làm đường giao thông nội đồng. Thời điểm đó, bà con đang chuẩn bị vào mùa gặt, chưa ai có tiền đóng góp. Việc thi công tuyến đường cực kỳ khó khăn do cả tuyến chỉ có 3 hộ dân, khó khăn về nguồn nước, khó khăn về địa điểm tập kết vật liệu, buộc phải có xe cơ giới để chở vật liệu xây dựng từ ngoài vào. Trước tình hình đó, anh Dương rất sát sao, nhiệt tình, ngày nào cũng có mặt ở thôn cùng cấp ủy, chính quyền, trưởng các đoàn thể tổ chức hội nghị, bàn bạc, đưa ra các giải pháp để tháo gỡ, giải quyết khó khăn.

Anh đã tham mưu với lãnh đạo xã, đứng ra vay nợ đá của một doanh nghiệp. Đồng thời, huy động các hộ có xe ô tô tải trên địa bàn toàn xã đến hỗ trợ vận chuyển vật liệu. Việc trộn bê tông được thực hiện bằng máy rồi dùng xe ô tô chở từ ngoài đường vào. Các vật dụng như đầm, dùi, ván khuôn… anh chủ động đi mượn cho thôn. Bà con chỉ phải bỏ công lao động, chuẩn bị ghim đóng bằng tre để làm đường. Sau 10 ngày (từ 8-6 đến 18-6-2018), 1.107 m đường giao thông nội đồng đã được hoàn thành trong niềm vui mừng, phấn khởi của đông đảo bà con. Sau vụ gặt, bà con nhanh chóng hoàn thành việc đóng góp. Bên cạnh đó, anh Dương còn huy động các doanh nghiệp ủng hộ 140 triệu đồng giúp thôn xây dựng khuôn viên nhà văn hóa, mua tăng âm, loa đài, bàn ghế, tủ sách; hỗ trợ 24 hộ, mỗi hộ 1 triệu đồng để xây nhà tiêu hợp vệ sinh; giúp thôn hoàn thành 1.238 m đường bê tông ngõ xóm của thôn.

Anh Dương tâm sự, lúc anh về xã, xã mới chỉ đạt 14/19 tiêu chí. Xóa nhà tạm và làm đường giao thông là hai tiêu chí khó mà xã đang tập trung giải quyết. Anh đã tham mưu với lãnh đạo xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xóa nhà tạm, xây dựng hạ tầng cơ sở; tìm và thu hút nguồn lực xã hội hóa để xóa nhà tạm cho người dân. Anh đã vận động được 7 doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ kinh phí xây nhà mới cho 51 hộ dân có nhà tạm trên địa bàn xã. Trong đó, hỗ trợ 50 triệu đồng cho hộ nghèo, hỗ trợ 40 triệu đồng cho hộ thuộc diện chính sách, hỗ trợ 30 triệu đồng cho hộ cận nghèo và các hộ khác, tổng kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng. 

3. Khi anh Dũng được biệt phái về xã Thái Long, xã cũng mới đạt 14/19 tiêu chí. Trong đó, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường là 2 tiêu chí nan giải cần tháo gỡ. Anh đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã xây dựng Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, trong đó đề xuất việc phân công từng công chức chuyên môn theo dõi và tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, phân công cán bộ, thành viên UBND phụ trách thôn; tham gia biên soạn tài liệu và tổ chức tuyên truyền các nội dung về xây dựng nông thôn mới cho các bí thư chi bộ và trưởng thôn trên địa bàn xã. 

Bí thư Đảng ủy xã Vũ Đức Long cho biết, ông đánh giá cao những đóng góp của đồng chí Dũng trong thời gian qua. Đặc biệt năm 2018, anh Dũng đã giúp xã xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi, phối hợp cùng Đảng ủy xã trong việc đôn đốc, hướng dẫn nhân dân các thôn Phú An 1, Phú An 2 và Hải Thành thực hiện xây dựng, lắp đặt 1.300 m mương bê tông, nâng tỷ lệ tưới cho diện tích lúa 2 vụ của xã lên gần 80%. Anh Dũng đã cùng lãnh đạo xã trực tiếp đối thoại với một số hộ dân còn vướng mắc trong việc bồi thường đất bị sạt lở ở 2 thôn Hòa Mục 1, 2, giải thích và vận động nhân dân chấp hành pháp luật. Những đóng góp của anh Dũng tại cơ sở đã góp phần tích cực để xã hoàn thành đúng tiến độ về đích nông thôn mới. 

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quang Vinh cho biết, việc anh Dũng giúp các hộ trồng bưởi trên địa bàn thực hiện dự án đã hướng người dân sản xuất ra các sản phẩm sạch, tạo điều kiện để xã phát triển vùng chuyên canh bưởi, nâng cao giá trị sản phẩm, làm cơ sở xây dựng thương hiệu bưởi Thái Long.

Đưa cán bộ biệt phái về cơ sở theo Đề án 04-ĐA/TU ngày 22-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy không chỉ là một thử thách mà còn là cơ hội để các cán bộ trẻ được rèn luyện, củng cố và phát huy năng lực, trình độ của mình. Với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cán bộ biệt phái đã và đang tích cực bám nắm, sâu sát địa bàn, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tin, ảnh: Thu Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục