Tăng giá trị nhờ có chủ thể OCOP

Các địa phương vùng DTTS và miền núi tuy có nhiều nông sản lợi thế nhưng hiện vẫn còn nhiều sản phẩm mang tính tập thể

Chè hữu cơ Bản Liền (Bắc Hà) đã đạt chuẩn 5 sao.

Mận Tam Hoa Bắc Hà là loại quả đặc sản của huyện Bắc Hà (Lào Cai) được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến. Đây là cây trồng xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bắc Hà.

Từ năm 2010, UBND tỉnh Lào Cai đã triển khai Dự án “Cải tạo chất lượng vùng mận Tam Hoa Bắc Hà giai đoạn 2010-2015”. Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, người trồng mận ở Bắc Hà đã chặt bỏ cây già cỗi, chất lượng kém để trồng thay thế cây mới chất lượng tốt và tăng diện tích trồng mận. Hiện, toàn huyện đã có 500ha mận, mỗi năm mang lại trên 240 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, khó khăn nhất vùng mận Tam Hoa là vẫn chưa tìm được nhà đầu tư đứng ra tổ chức bao tiêu, chế biến và phát triển sản phẩm quả mận sau thu hoạch. Người nông dân vẫn là chủ thể, vừa trồng vừa lo khâu tiêu thụ. Vì thế, mận Tam Hoa dù được xem là đặc sản của Bắc Hà nhưng vẫn chưa khẳng định được vị trí trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Lào Cai.

Việc tìm ra một chủ thể là việc mà người nông dân cũng như chính quyền các cấp huyện Bắc Hà cần sớm thực hiện để tăng giá trị mận Tam Hoa. Bởi ngay trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện đã có hai sản phẩm truyền thống của đồng bào DTTS đã được cấp sao, là rượu ngô đặc sản Bản Phố, đạt tiêu chuẩn 4 sao và chè hữu cơ Bản Liền, đạt tiêu chuẩn 5 sao. Cả hai sản phẩm OCOP này đều có chủ thể sản xuất, bao tiêu. Với rượu ngô đặc sản Bản Phố là do Hợp tác xã Duy Phong làm chủ thể sản xuất. Còn sản phẩm chè hữu cơ do Hợp tác xã Chè Bản Liền bao tiêu, phát triển sản phẩm sau thu hoạch.

(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Bài, ảnh: Tùng Nguyên/Báo Dân Tộc

Tin cùng chuyên mục