Hà Tĩnh: Niềm vui nhân đôi

Hà Tĩnh lấy hiệu quả kinh tế phát triển các sản phẩm nông đặc sản đạt chuẩn theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo đầu ra ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn… là mục tiêu lớn trong xây dựng nông thôn mới.

Cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương

Nâng cao giá trị sản phẩmm

Huyện Hương Sơn là địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn Chương trình OCOP nhiều nhất trong tỉnh với 18 sản phẩm. Năm 2019, người nuôi hươu trên địa bàn huyện đón nhận niềm vui “kép” khi cùng lúc sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là 1 trong 3 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt 4 sao. Sau khi đăng ký tham gia Chương trình OCOP, nhiều cơ sở kinh doanh nhung hươu trên địa bàn đã đầu tư máy móc, thực hiện chế biến sâu, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nên giá thành và thời gian bảo quản, tiêu thụ sản phẩm chủ động hơn trước. Bên cạnh đó, người chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm nhung hươu trên địa bàn được tập huấn về xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy trình kỹ thuật chế biến, nâng cao kiến thức kinh doanh. Điều này đã làm thay đổi nhận thức kinh doanh truyền thống, nhỏ lẻ, thụ động trước đây.

Với diện tích khoảng 1.000ha cho quả, bình quân mỗi năm, người trồng cam Hương Sơn thu về trên dưới 400 tỷ đồng. Để được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cho sản phẩm cam chanh Sơn Mai, người trồng luôn tuân thủ sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm đến tham gia các hội chợ quảng cáo… Tất cả đều hướng đến mục tiêu sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, giá trị gia tăng cao hơn.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2019, Hà Tĩnh đã hoàn thành mục tiêu có 112 sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình OCOP. Đặc biệt, 72 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao. Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, Chương trình OCOP Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận cả về số lượng lẫn chất lượng, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản vùng, miền; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, đưa việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, làm bệ đỡ cho các sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn thị trường truyền thống lâu nay.

Tiếp tục nâng tầm sản phẩm

Để tối ưu hóa, nâng cấp các tiêu chí đã đạt chuẩn, phấn đấu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, gần 2 năm nay, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh đã nghiên cứu, đưa công nghệ số vào quản lý hoạt động sản xuất ở các cơ sở tham gia OCOP. Trước mắt, có 10 sản phẩm OCOP được lắp “mắt thần” theo dõi quy trình sản xuất. Việc gắn camera giám sát đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến đến đóng gói, bảo quản. Theo đó, chỉ cần một chiếc smartphone là có thể theo dõi được hết hoạt động sản xuất của các cơ sở. Hiện, đơn vị đang tiếp tục xây dựng, tích hợp camera giám sát vào phần mềm dữ liệu số nông thôn mới, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như khách hàng, người dân quan tâm có thể theo dõi, cùng giám sát chất lượng các sản phẩm. Ngoài lắp “mắt thần” giám sát sản xuất, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh còn truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua quét mã QR; ứng dụng công nghệ thông tin vào chấm điểm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP…

Cùng với việc sử dụng “mắt thần” để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 75 /KH-UBND về thực hiện Chương trình OCOP Hà Tĩnh năm 2020. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 50 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 34 sao, trong đó, có 10 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt từ 4 sao trở lên. Củng cố, nâng cao năng lực cho tối thiểu 40 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ hiện có thực hiện Chương trình OCOP. Phát triển mới tối thiểu 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; phát triển mới 3 - 5 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. 100% cán bộ tham mưu Chương trình OCOP các cấp và các tổ chức, cá nhân, đơn vị sản xuất có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được tập huấn, đào tạo hướng dẫn về thực hiện Chương trình. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, quản lý chặt chẽ 72 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao năm 2019, nâng cấp các sản phẩm lên 4 - 5 sao.

Để giám sát quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cũng đã có văn bản gửi các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở tham gia chương trình thực hiện. Các cơ sở tham gia Chương trình OCOP phải xây dựng quy trình sản xuất gắn với kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường; trình UBND huyện, thành phố, thị xã xác nhận và niêm yết công khai tại nơi sản xuất để thực hiện và giám sát. Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá về chất lượng sản phẩm; thực hiện kiểm nghiệm, phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 22/1/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế quản lý, hàng hóa, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và văn bản số 566/UBND-NL3 ngày 5/2/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, thực hiện...

Là một trong những tỉnh triển khai, phê duyệt Chương trình OCOP khá sớm (tháng 11/2018), Hà Tĩnh đã xây dựng đề án bám sát hướng dẫn, đề cương Chương trình OCOP trung ương. Chương trình OCOP Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ giúp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng tầm thương hiệu đối với các cơ sở sản xuất, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh /Báo Công Thương Điện tử

Tin cùng chuyên mục