Phát huy hiệu quả mô hình Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Để tiếp tục nhân rộng mô hình Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, từ đầu năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí ra mắt các Chi, Tổ Hội nghề nghiệp và hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư trang thiết bị, phát triển quy mô sản xuất, từ đó, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống. Từ việc nhân rộng mô hình Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Từ đó, được sự gắn kết giữa nhiệm vụ xây dựng tổ chức hội vững mạnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Với mong muốn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, Chi Hội Nông dân nghề nghiệp Chăn nuôi thủy sản thôn 2, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn được thành lập với 32 thành viên. Ngay sau khi được thành lập, từ nguồn Quỹ hỗ trợ Nông dân huyện Yên Sơn đã hỗ trợ cho 10 hộ vay vốn với số tiền vay 30 triệu đồng/hội viên. Có nguồn vốn, các hộ đã thực hiện đầu tư chăm sóc, chuyển đổi trong chăn nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của hộ gia đình. Ông Nguyễn Tiến Bằng, là một trong những thành viên của Chi hội được vay vốn hồ hởi, phấn khởi chia sẻ: Với quy mô diện tích mặt nước trên 6 sào, phân ra làm 3 ao. Trước đây cả 3 ao của gia đình tôi đều nuôi cá thịt, giờ đây đã chuyển đổi 01 ao nuôi cá sang nuôi ba ba, 01 ao sang nuôi ốc nhồi. Sau 01 năm thực hiện mô hình, bước đầu cũng đã có hiệu quả kinh tế cho gia đình.

                       Mô hình chuyển đổi nuôi cá giống cảnh của  Chi Hội Nông dân nghề nghiệp thôn 2, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn (Nguồn ảnh: Yenson.tuyenquang.gov.vn) .

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Sơn cho biết: Với mục tiêu chung là tập hợp các hội viên cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề vào các Chi, Tổ Hội nghề nghiệp hướng tới thành lập Hợp tác xã (HTX) để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Sau 03 năm, toàn huyện đã có 35 Chi, Tổ Hội nghề nghiệp được thành lập theo tiêu chí “5 cùng”. Đây là xu hướng tất yếu, là tiền đề từng bước thành lập HTX. Từ Chi Hội nghề nghiệp này, bà con bàn bạc, thỏa thuận hoạt động theo một nguyên tắc của Chi Hội. Mục tiêu trong năm 2024, toàn huyện sẽ thành lập được 15-20 Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp có chất lượng, quy mô. Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập mới và nhân rộng các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Giai đoạn 2019-2023, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức trên 217 lớp đào tạo ngành nghề cho 7.255 lượt hội viên tham gia. Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 37,1 tỷ đồng, có 915 hộ hội viên được vay vốn để phát triển sản xuất. Từ các Chi, Tổ Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã tổ chức luân chuyển, cho vay được 1.690 con trâu, bò, có 1.595 hộ thoát nghèo từ chương trình, giá trị đàn bò ước đạt hơn 96 tỷ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho hơn 64.100 hội viên, nông dân; đóng góp hơn 9,3 tỷ đồng, hơn 101.000 ngày công lao động, sửa chữa, nạo vét 1.819km kênh mương, sửa chữa, làm mới 932km đường giao thông nông thôn, hiến 40.768m2 đất làm đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa, xây dựng công trình công cộng. Hội Nông dân các huyện, thành phố hỗ trợ làm mới 808 nhà và sửa chữa 193 nhà cho hội viên nông dân nghèo.

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 37 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 247 Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Trong đó, có 47 Tổ Hội nghề nghiệp tham gia hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 35 HTX, 75 Tổ hợp tác góp phần nâng cao chất lượng, phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể ở địa phương.

Chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập dựa trên nguyên tắc “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Từ đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp./.

Nguyễn Văn Hiệp/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục