Nông thôn khởi sắc, nông nghiệp sinh thái - hữu cơ, nông dân giàu có

Nông thôn mới không chỉ tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, mà cái mới còn thấm vào đời sống nông dân, sản xuất nông nghiệp cũng tiếp cận với nhiều cái mới. Sản xuất hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu và được xem là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp hiện đại, do đó ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đang hỗ trợ người nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất…

Xác định vùng trồng trọt hữu cơ đến năm 2025, dự kiến xác định 56 vùng với diện tích là 1.200 ha. Đến năm 2030, dự kiến xác định số vùng là 65 vùng với  diện tích là 2.000 ha theo mục tiêu của Dự án “Điều tra thực trạng sản xuất trồng trọt hữu cơ và nghiên cứu, đề xuất xác định các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Những năm gần đây, mô hình sản xuất cam bằng phương pháp hữu cơ đang được huyện Hàm Yên triển khai thực hiện. Đây thực sự đang là hướng đi hiệu quả cho người trồng cam của huyện Hàm Yên để nâng cao giá  trị của cây cam sành trên cùng đơn vị diện tích.

Mô hình liên nhóm cam hữu cơ huyện Hàm Yên được thành lập đến nay đã được vài năm, trong quá trình thực hiện đã thành lập ra 4 Tổ hợp tác, thông qua các tổ hợp tác này các thành viên được trao đổi kiến thức sản xuất hữu cơ với nhau, nguyên tắc sử dụng phân hữu cơ, quy trình chăm sóc quản lý dịch hại tổng hợp. Đặc biệt, Tổ hợp tác còn liên kết với nhau để tìm đầu ra cho sản phẩm, nhờ vậy cam được sản xuất theo phương pháp hữu cơ luôn được thị trường ưa chuộng, giá thành tăng gấp 5 lần so với sản xuất cam thông thường.

Để nâng cao giá trị của cây cam sành trên cùng một đơn vị diện tích, từ năm 2017 huyện Hàm Yên đã triển khai sản xuất cam sành theo quy trình hữu cơ và đã nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Quá trình thực hiện cam hữu cơ được thực hiện nghiêm ngặt, từ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đến việc thu hái, nên giá trị của cam hữu cơ cao gấp 4 đến 5 lần cam thường. hàm yên hiện mới có gần 30 ha cam được triển khai thực hiện sản xuất theo quy trình hữu cơ, của 18 hộ ở các xã: Tân Thành, Thị trấn Tân Yên, Nhân Mục, Bằng Cốc. Hiện nay huyện đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang thực hiện sản xuất cam hữu cơ để nâng giá trị của cây cam trên cùng một đơn vị diện tích.

Mô hình trồng cam hữu cơ của gia đình anh Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên (Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang điện tử)

Không chỉ riêng huyện Hàm Yên, lên vùng đất rẻo cao Lâm Bình, đến thăm mô hình vườn mẫu của gia đình bà Chẩu Thị Hành, thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can. Với diện tích đất rộng, gia đình bà Hành đã tập trung phát triển trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, thanh long theo quy trình sản xuất hữu cơ. Bà Hành cho biết: Trước đây gia đình bà sản xuất nông nghiệp theo phương thức truyền thống, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và môi trường. Sau khi được tiếp cận, tập huấn về quy trình sản xuất hữu cơ, đình bà Hành nhận thấy cần phải thay đổi tư duy sản xuất. Với mô hình sản xuất này, gia đình bà Hành còn là điểm đến cho du khách đến thăm quan trải nghiệm khi đến với huyện vùng cao Lâm Bình.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Sơn Dương đã chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở địa phương. Mô hình trồng dưa lưới áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, ứng dụng từ công nghệ thủy canh của anh Nguyễn Việt Lâm, thôn Gốc Quéo, xã Kháng Nhật với  diện tích nhà vườn lên tới trên 5.000 m2 đã mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỉ đồng mỗi năm. Do được trồng hoàn toàn trong nhà màng và hệ thống tưới cây tự động nhỏ giọt nên vườn dưa phát triển tốt và có thể trồng dưa lưới trái vụ, đặc biệt là đảm bảo đủ tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm.

Để có sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thì đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ những tiêu chí cơ bản như: nguồn nước phải sạch, không bị ô nhiễm; đất canh tác có ít nhất 3 năm không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật; khu vực sản xuất phải được cách ly các nguồn ô nhiễm như nhà máy, khu công nghiệp, khu vực đang xây dựng, trục đường giao thông chính... Nhà nông tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 HTX và 9 Tổ hợp tác tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, với diện tích gần 90 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt cây trồng hữu cơ đạt trên 1,5% tổng diện tích đất trồng trọt các cây trồng chính và nâng giá trị sản phẩm lên gấp trên 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ; đến năm 2030, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 3% và giá trị sản phẩm lên gấp 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cũng đề ra các giải pháp như quy hoạch, bố trí đất đai, phát triển sản xuất các sản phẩm hữu cơ, lựa chọn ngành hàng, sản phẩm hữu cơ luôn phải gắn liền với thị trường tiêu thụ… Tập trung vào các sản phẩm như: chè, gạo, rau, cây dược liệu, lạc, cam, bưởi và một số loại đặc sản đặc hữu như Chè Shan tuyết, Hồng, Lê, Na... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về sản xuất trồng trọt hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ, liên kết với các tổ nhóm, HTX, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ là một phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Tuyên Quang đang thực hiện, gắn với Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gai tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh có nhiều chính sách ưu tiên cho các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ. Nhiều mô hình HTX đã áp dụng những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ thông qua đổi mới phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân./.

Lại Kiều Trang/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục