Huy động sức dân để làm đường giao thông nông thôn ở Tuyên Quang

Với đặc thù là tỉnh miền núi, việc phát triển giao thông nông thôn luôn được Đảng bộ, chính quyền của tỉnh xác định là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Năm 2021, Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn được triển khai. Các địa phương trong tỉnh đã phát huy cách làm sáng tạo, hiệu quả được duy trì từ nhiều năm trước, đó là huy động sức dân tham gia để tạo thêm nguồn lực, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn ở các xã trên địa bàn tỉnh.

Nổi bật trong việc tham gia thực hiện làm đường giao thông vào vùng sản xuất trong Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn phải kể đến thôn Tú Tác, xã Tú Để đã hoàn thành được tuyến đường vào vùng sản xuất trên 20 ha của thôn. Nhiều hộ gia đình đã tự nguyện đóng góp tiền, hiến đất, phá bỏ kiến trúc hoa màu, tạo thêm nguồn lực để thôn thực hiện. Anh Nguyễn Văn Khoa là một trong số hộ gia đình ở thôn ngoài hiến một phần diện tích đất, anh còn đóng góp 10 triệu đồng để làm đường. Với 01 thôn có gần 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tổng số trên 260 hộ gia đình thì để có số tiền này là điều rất khó. Tuy nhiên, nhận thức được ý nghĩa của chương trình làm đường giao thông nông thôn, anh đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông thôn trên địa bàn xã cũng như góp phần đưa xã Tú Thịnh hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Còn với ông Chu Văn Luông, khi mở rộng tuyến đường, một phần diện tích nằm trong đất sản xuất của gia đình. Nhận thấy việc mở rộng tuyến đường này là rất cần thiết, mở ra cơ hội cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ông Luông đã tình nguyện hiến toàn bộ phần đất nằm trong khu vực cần giải tỏa để bàn giao cho đơn vị thi công.

Năm 2021, xã Tú Thịnh phấn đấu về đích nông thôn mới, vì vậy khi triển khai đề án làm đường giao thông nông thôn và làm cầu trên đường giao thông. Huyện Sơn Dương đã ưu tiên và lựa chọn xã Tú Thịnh là xã đầu tiên để thực hiện. Qua rà soát, xã Tú Thịnh có nhu cầu bê tông hóa trên 17 km đường giao thông, trong đó có trên 4 km đường do huyện quản lý. Còn lại, 13 km đường giao thông nông thôn được đưa vào kế hoạch thực hiện bê tông hóa trong năm nay. Để góp phần hoàn thành chương trình, các thôn đã tổ chức họp, lấy ý kiến và có sự bàn bạc, thống nhất trong nhân dân. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của chương trình và cùng đồng thuận tham gia.

Đường giao thông nông thôn tại xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, huyện Sơn Dương thực hiện bê tông hóa trên 150 km đường giao thông nông thôn, 99,5 km đường nội đồng và 30 cầu trên đường giao thông nông thôn. Để thực hiện chương trình, các địa phương được Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp, thuê máy trộn bê tông 20 triệu đồng/km đối với đường thôn, 15 triệu đồng/km đối với đường nội đồng; kinh phí cho công tác quản lý 2 triệu đồng/km. Nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.

Ở huyện Hàm Yên, hàng chục năm nay, tuyến đường vào khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa của thôn 1 Minh Thái, xã Thái Sơn, bà con thường xuyên phải chịu cảnh đi lại khó khăn vất vả. Ngay sau khi có chủ trương nhà nước hỗ trợ xi măng, cát sỏi, 2 hộ dân nơi đây là gia đình bà Nguyễn Thị Bích Thủy và gia đình ông La Văn Huấn đã tự nguyện bỏ ra số tiền gần 60 triệu đồng cùng với kinh phí của nhà nước để bê tông hóa tuyến đường. Nhận thấy sự quyết tâm của 2 gia đình, nhiều hộ dân thường xuyên đi lại sản xuất trên tuyến đường này đã ủng hộ ngày công và tiền mặt, giúp đỡ hoàn thành tuyến đường.

Trong 05 năm tới, huyện Hàm Yên sẽ bê tông hóa 167 km đường thôn, 58 km đường nội đồng và xây dựng 32 cầu trên đường giao thông nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng để Hàm Yên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025, do vậy việc sớm triển khai đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các địa phương trong huyện tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để triển khai đề án hiệu quả theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trọng tâm là vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, sát sỏi chung tay làm nên những con đường chất lượng, bảo đảm kết nối giao thông đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển mới.

Cùng với các xã của các huyện trong tỉnh, tại xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn đã huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân thông qua những việc làm thiết thực như tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu, ngày công làm đường giao thông. Khi được cấp uỷ chính quyền xã triển khai Đề án, nhận thấy lợi ích của việc làm đường giao thông nông thôn, ông Vũ Tiến Dậu đã tự nguyện hiến đất nằm trong khu vực giải tỏa mở rộng đường để bàn giao cho đơn vị thi công. Trong suy nghĩ của ông, khi người dân cùng chung sức thì việc gì cũng thành công. Thực hiện theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, ông đã tiên phong trong việc hiến đất để làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Yên Sơn phấn đấu bê tông hóa 351,93 km đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, xây dựng 49 cầu trên đường giao thông nông thôn. Năm 2021 đã hoàn thành bê tông hóa 61,51 km đường giao thông nông thôn, xây dựng 6 cầu trên đường giao thông nông thôn. Đây là Đề án nhận được sự vào cuộc, đồng hành rất lớn của người dân, do đó, không khó để huyện hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra. Ngay sau khi triển khai thực hiện, đã khơi dậy nguồn lực trong nhân dân cùng chung sức triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả. Huyện đã phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị tốt việc vận chuyển xi măng, ống cống, cung ứng kịp thời để nhân dân các địa phương tổ chức thực hiện.

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công giảm đáng kể, việc tranh thủ, lồng ghép các chương trình dự án để xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là giao thông nông thôn  ngày càng trở nên khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc chủ động cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời các xã, các huyện trong tỉnh đã quán triệt nghiêm túc nguyên tắc công bằng, công khai, miễn giảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trong quá trình huy động nguồn lực từ người dân. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng gia đình, các địa phương có thể vận dụng hình thức đóng góp cho phù hợp. Tại nhiều địa phương triển khai cách làm sáng tạo, vừa huy động được sức dân, vừa giãn được mức đóng góp của người dân thông qua  việc vận động các hộ gia đình tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình để giải phóng mặt bằng, ban công tác mặt trận các thôn kêu gọi những hộ được hưởng lợi từ tuyến đường đóng góp kinh phí, ngày công để hỗ trợ các gia đình khác di dời nhà cửa, công trình kiến trúc. Việc làm này vừa nhận được sự đồng tình của người dân, vừa mang ý nghĩa sẻ chia sâu sắc, góp phần gắn kết tình cảm, trách nhiệm xóm làng, cộng đồng dân cư.

Việc thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn hướng đến mục tiêu từng bước xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn bảo đảm thông suốt, đồng bộ, cứng hóa. Đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Theo đó đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng; xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn. Giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng các cầu còn lại trên đường giao thông nồng thôn theo Đề án đã được phê duyệt./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục