Tuyên Quang phát triển lâm nghiệp hiệu quả, bền vững từ rừng

Những năm gần đây, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh có bước phát triển nổi bật, thế mạnh ngành lâm nghiệp từng bước được phát huy, tỉnh đã sớm triển khai điều chỉnh hợp lý quy hoạch phân ba loại rừng, phê duyệt quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho 5 nhà máy chế biến lớn trong tỉnh với diện tích hơn 200.000 ha; giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về giống cây lâm nghiệp, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao đời sống của người dân và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản là một trong những khâu đột phá, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện nhiều cơ chế tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 448,681 ha đất lâm nghiệp, trong đó có trên 46.934 ha rừng đặc dụng, 121.629 ha rừng phòng hộ, 280.117 ha rừng sản xuất. Tỉnh đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phát triển rừng.

Bên cạnh đó, cũng đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng hơn 190.000 ha; sản lượng khai thác hằng năm hơn một triệu mét khối gỗ, là một trong những tỉnh đứng đầu trong cả nước về sản lượng khai thác; hằng năm trồng mới hơn 11.000 ha rừng; có hơn 48.318 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65% và đứng thứ ba cả nước. Tỉnh đã thu hút được 08 nhà đầu tư liên kết xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: giấy, bột giấy, đồ gỗ nội thất cao cấp, ván công nghiệp, viên nén năng lượng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ.

Song song với đó, tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách phát triển rừng như: hỗ trợ cây giống chất lượng cao, hỗ trợ gạo cho người dân bảo vệ và phát triển rừng thuộc tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, hộ gia đình nghèo, gia đình dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng phòng hộ từ 0,5 ha tập trung trở lên được hỗ trợ bằng tiền mặt tương đương 15 kg gạo/người/tháng. Thời gian hỗ trợ là 08 tháng/năm, tối đa không quá 07 năm. Từ những chính sách của tỉnh, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, coi rừng là tài sản quý giá của mình. Nhiều nơi người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số đã thay đổi hẳn nhận thức, tư duy phát triển kinh tế rừng.

Mô hình liên doanh trồng rừng của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Sơn Dương với người dân xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương

Năm 2024 là có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp Tuyên Quang trong năm 2024 là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Để hoàn thành kế hoạch năm 2024 và mục tiêu kế hoạch 5 năm, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, gắn với đó là hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khoá XVII) về phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035.

Hơn 100.000 lượt lao động có thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp, trên 8.000 hộ nghèo được tham gia các chương trình dự án, hàng trăm hộ có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng. Với cách làm bài bản, thực hiện nhiều chính sách và cơ chế phù hợp giúp kinh tế lâm nghiệp ở tỉnh miền núi Tuyên Quang đang phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương./.

Nguyễn Văn Hiệp/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục