Tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đến năm 2025

Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ, do những người sản xuất nhỏ có nhu cầu, lợi ích chung tự nguyện lập ra nhằm mục tiêu chủ yếu là giúp đỡ lẫn nhau, tạo thêm sức mạnh cho từng người và cho cả hợp tác xã để thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng thành viên, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình. Những lợi ích về kinh tế có thể dễ dàng nhận thấy khi cá nhân, hộ gia đình tham gia vào hợp tác xã, đó là giảm chi phí, tăng thu nhập, đa dạng hóa các nguồn thu nhập và giảm thiểu những rủi ro trong sản xuất như: mua hàng kém chất lượng, không bán được sản phẩm, thiếu vốn và công nghệ. Hợp tác xã sẽ giúp giải quyết những vấn đề tập thể mà những nông dân nhỏ lẻ khó có thể thực hiện được như: xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng của ngành hàng.

Trong những năm gần đây hoạt động các hợp tác xã trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản (HTX) có nhiều chuyển biến tích cực đã tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm. Phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang có những sự chuyển biến về việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Toàn tỉnh có 104 chủ thể là HTX có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%). Toàn tỉnh có 57 HTX áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ (trong đó có 45 HTX với 530,7 ha được tổ chức trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; 10 HTX tổ chức chăn nuôi VietGAHP; 02 HTX tổ chức sản xuất cá VietGAP); 77 HTX có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm ... Số lượng HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng tăng, phát huy hiệu quả. 

Đồng chí Nguyễn Thế Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thăm và làm việc với Hợp tác xã thủy sản và dịch vụ Giang Tùng, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình

Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời nhằm tăng cường sự thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các sở, ngành liên quan và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển HTX tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, phù hợp với từng địa phương nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đề ra. Ngày 21/11/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 249/KH-UBND về việc Phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025. Kế hoạch này là một trong các giải pháp để thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Kế hoạch số 249/KH-UBND ngày 21/11/2023 đặt ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nhân dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời đặt ra mục tiêu 07 cụ thể đến năm 2025: (1) 100% số HTX hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã. Số lượng HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX toàn tỉnh; (2) Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 HTX điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, doanh thu bình quân/HTX đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lê; (3) Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động từ 40% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX; (4) Có khoảng 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; (5) Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 70 HTX ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; (6) Có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX (Ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, Ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTX theo chương trình đào tạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX; (7) Hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX.

Cũng theo nội dung kế hoạch, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện: (1) Nâng cao nhận thức về HTX; (2) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các HTX; (3) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ phát triển HTX; (4) Nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các HTX; (5) ẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ; (6) nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX; (7) huy động nguồn lực phát triển HTX. Trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ củng cố, đổi mới, tập trung chuyển đổi đăng ký lại các hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng thời gắn với các mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Gắn kết đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình khuyến công và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh… Rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX; Xử lý dứt điểm các HTX yếu, kém đã ngừng hoạt động, HTX thuộc đối tượng giải thể bắt buộc theo quy định...

Kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 được ban hành, trong đó xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp trọng tâm thực hiện, đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ đến từng các cơ quan, đơn vị chuyên môn và các cơ quan, đơn vị liên quan, chính là cơ sở quan trọng để các địa phương cụ thể hóa tập trung phát triển HTX đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, cũng như tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng các HTX trở thành một trong những mô hình kinh tế nòng cốt ở khu vực nông thôn, hoạt động và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường; thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và thực hiện xây dựng nông thôn mới./.

Lê Thị Quỳnh Mai/Chi cục Phát triển nông thôn

Tin cùng chuyên mục