Tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ đang là xu hướng tất yếu của thị trường hiện nay. Nhằm bắt kịp xu thế này và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.

Những năm qua, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực; không những tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của nông dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, công nghệ cao, quy mô lớn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác và tăng thu nhập cho người dân.

Mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Nguyễn Duy Khoa, thôn 8, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên đã triển khai nhiều mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao an toàn sinh học theo quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của gia đình ông Nguyễn Duy Khoa ở thôn 8 đã cho thấy hiệu quả mang lại khá tốt. Với số vốn đầu tư gần 1 tỷ  đồng, ông Khoa đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ của Israel.  Cùng với đó là hệ thống nhà màng che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập đã giảm chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn và bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Bình quân hàng năm ông Khoa trồng trên 3.000 gốc dưa với 03 loại dưa: dưa lưới Mỹ, dưa lê Chi Ba của Hàn Quốc và dưa vàng trên diện tích trên 2.000m2 đất vườn của gia đình. Trung bình, một vụ dưa từ lúc trồng đến khi thu hoạch là 75 ngày, sản lượng khoảng 3 tấn quả/1.000m2 nhà lưới.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa đã lựa chọn cây đậu đen là cây trồng đặc trưng của địa phương. Nếu như năm 2020 bà con nông dân nơi đây chỉ phát triển được trên 5 ha thì đến nay đã tăng lên trên 20 ha và thực hiện trồng 3 vụ/năm. Cùng với đó là thành lập Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát để sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm nông sản sạch, hữu cơ, trong đó hướng đến thu mua nguyên liệu đậu đen xanh lòng cho người dân và các xã lân cận. Hiện nay, sản phẩm này đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Mô hình này đã mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, góp phần tạo thu bền vững cho người dân trong xây dựng nông thôn mới ở Tri Phú.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng KHKT cũng đã được các địa phương và người chăn nuôi chú trọng và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Gia đình ông Hoàng Văn Mão, thôn Yên Phú, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương nuôi trên 300 con lợn thịt và gần 50 con lợn nái. Mặc dù đã đầu tư xây dựng công trình Biogas cùng với nhiều bể xử lý, song vẫn vượt quá công suất thiết kế, gây ô nhiễm môi trường. Được dự án: Ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ, gia đình ông Mão được chuyển giao kỹ thuật phối trộn khẩu phần thức ăn, giúp lợn hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, tiết kiệm thức ăn, giảm khí gây mùi, đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được thu xuống bể lắng, chất bã được tách ép ủ với men vi sinh, vôi bột và than hoạt tính tạo thành phân hữu cơ. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của gia đình ông Mão cũng được giải quyết.

Thực tế cho thấy, khi chăn nuôi ngày càng phát triển thì vấn đề xử lý môi trường rất cần được quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn sẽ giúp người dân giải quyết được bài toán khó về môi trường, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng an toàn và bền vững, góp phần quan trọng giải quyết tiêu chí Môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, việc đẩy mạnh KHKT vào sản xuất không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; không chỉ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường mà còn giảm công lao động, chi phí sản xuất. Hiện nay cùng với các cơ chế chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, các địa phương trong tỉnh cũng đang tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp đa chức năng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường có giá trị gia tăng cao; tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, HTX và người nông dân đầu tư đẩy mạnh KHKT vào sản xuất với các giống mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhân rộng các mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ KHKT đạt hiệu quả kinh tế cao, các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; khuyến khích, tạo điều kiện gắn kết giữa nông dân, doanh nghiệp và HTX để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; đào tạo, nâng cao trình độ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa lợi thế so sánh của địa phương./.

Nguyễn Văn Hiệp/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục