Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã đề ra khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng các đề án, quy hoạch, chính sách để huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, đã đạt được kết quả bước đầu trong Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trưng bày, giới thiệu sản phẩm một số mặt hàng nông sản của tỉnh

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp,Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó trọng tâm là cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới,… Thông qua chính sách nhằm tạo động lực giúp người nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông sản Tuyên Quang trên thị trường cả nước.

Xác định xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả là giải pháp quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân, đảm bảo ổn định, bền vững. Năm 2021, Ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều mô hình áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng phát triển, điển hình như: Mô hình trồng ngô mật độ cao, trồng rau, chè an toàn theo hướng VietGAP...Bên cạnh đó, chú  trọng việc xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị của một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều cánh đồng tập trung chuyên canh sản xuất hàng hóa, Ngành Nông nghiệp đã tập trung phối hợp với các địa phương tích cực đưa máy móc vào sản xuất, nhằm giải phóng sức lao động, đẩy nhanh tiến độ sản xuất mùa vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất. Các địa phương trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ của thị trường nông sản, việc trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, tận dụng nguồn phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học trong khâu phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, đồng thời hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học trừ sâu, chú trọng phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết hợp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo uy tín, chất lượng của sản phẩm nông sản...  đang được các ngành chức năng, cũng như người dân tích cực thực hiện.Đến nay toàn tỉnh đã phát triển được 811ha cam, 93 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 701,47 ha chè tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững; 36,3 ha cam, 29,4 ha bưởi hữu cơ chuyển đổi. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt4.345 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm thu được bình quân 1 ha đất trồng trọt đạt 97,4 triệu đồng/năm.

Tuyên Quang tiếp tục là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Toàn tỉnh trồng mới trên 11.224 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%. Hiện nay đã có trên 35.843 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, góp phần tăng giá trị gỗ rừng trồng từ 15% - 20%. Đây là tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng Tuyên Quang trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Năm 2021 sản lượng  khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 687 nghìn m3. Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, tăng cường quản lý và phát triển rừng bền vững, trong năm qua ngành nông nghiệp đã triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đồng thời tập trung thực hiện việc cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC cho rừng trồng. Theo kế hoạch, dự kiến năm 2021 giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt trên 1.681,3 tỷ đồng.

Với mục tiêu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền hướng dẫn bà con nông dân tận dụng diện tích đất đai để trồng cỏ chăn trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo an toàn sinh học. Hình thức này đã đem lại hiệu quả nhiều mặt, vừa tiết kiệm được sức lao động, thời gian, vừa phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập. Toàn tỉnh hiện có 51 HTX và 89 trang trại chăn nuôi, 18 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, 11 cơ sở chăn nuôi thực hiện công bố tiêu chuẩn giống theo quy định.

Để thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương, năm 2021 tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 230 sản phẩm OCOP; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.Quá trình triển khai thực hiện các đề án, dự án đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản với quy mô lớn theo hướng tập trung như: cam, chè, mía, lạc, cây nguyên liệu giấy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá đặc sản. Các xã đã tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương bằng các mô hình liên kết “4 nhà”, giá trị sản phẩm được nâng lên gấp 2 - 3 lần so với khi chưa thực hiện liên kết sản xuất. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đối với sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho một số HTX. Từ đó, đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy trình sản xuất VietGAP.

Đời sống nhân dân được cải thiện, Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận của người dân và trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo khu vực nông thôn ngày càng phát triển ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 45 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hết năm 2021 có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân./.

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục