Lan tỏa phong trào hiến đất ở Lăng Can

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Lăng Can (Lâm Bình), hàng nghìn mét vuông đất được đảng viên, nhân dân hiến; hàng nghìn ngày công lao động do nhân dân đóng góp đã làm nên những công trình nông thôn mới khang trang, góp phần đưa trung tâm huyện vươn tới đô thị loại V. Tìm hiểu thực tế ở các thôn của xã Lăng Can, chúng tôi mới hiểu cán bộ nào, phong trào ấy. Sự nêu gương của cán bộ đảng viên ở nơi đây đã khơi dậy sức mạnh to lớn trong nhân dân.

Đảng viên đi trước

Ông Lương Minh Học, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bản Kè đã hiến 800 m2 đất thổ cư cho thôn làm đường để xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới và hiến 120 m2 đất mở rộng đường bê tông từ 3 m lên 5,5 m cho phù hợp với tiêu chí đường nội thị. Ông bảo: “Đáng kể gì đâu, nhiều đảng viên và bà con trong thôn mình cũng hiến mà. Nếu tính cả 2 tuyến đường đang thi công thì thôn này có 38 hộ hiến đất đấy. Nhiều đảng viên đi đầu trong hiến đất như gia đình ông Lương Văn Tuần hiến hơn 500 m2, gia đình ông Nông Văn Lái 100 m2, ông Mạc Văn Tuất hiến hơn 200 m2…

Nhờ sự gương mẫu, nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên nên phong trào hiến đất làm đường trong thôn Bản Kè lan tỏa đến người dân trong thôn và các thôn khác trên địa bàn xã.  Ông Nguyễn Thế Trong, thôn Bản Kè chia sẻ, mảnh đất của gia đình ông do cha ông để lại nên ban đầu ông không đành lòng khi phải chặt bỏ lũy tre, cắt bớt mảnh vườn để mở rộng đường thôn. Song ông lại nghĩ về xã, thôn, về bà con lối xóm, về tiếng đài phát thanh hàng ngày biểu dương các hộ hiến đất. Nhất là mấy phiên họp thôn gần đây, con đường trước ngõ nhà ông dự kiến mở rộng hơn năm mét, nhưng còn vướng vì thiếu đất. Và ông cũng tự nhận thấy giá trị mang lại lợi ích cho xã hội, cho cả một thế hệ con cháu sau này khi tuyến đường mở rộng... Vậy là ông đồng thuận hiến 200 m2 đất vườn để mở rộng đường giao thông.


Gia đình bà Nguyễn Thị Dung, thôn Bản Kè, xã Lăng Can hiến hơn 300 m2 đất làm đường.

Rời thôn Bản Kè, chúng tôi đến thôn Nặm Đíp, con đường vào thôn ngày càng khang trang hơn, hai bên là những ngôi nhà sàn bề thế của người Tày, gắn với du lịch homestay, những khóm hoa nở dọc lối đi. Nhà nào cũng khang trang, sạch sẽ. Ông Nguyễn Văn Nhật, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Đíp tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ mà ngăn nắp. Ông bảo, phong trào xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang nhà cửa trong thôn đảng viên phải làm gương cho quần chúng nhân dân. Vận động nhân dân hiến đất mở đường cũng phải đảng viên làm trước. Nơi đây thường là điểm đến của khách thành thị và “khách tây” mỗi lần muốn trải nghiệm du lịch homestay. Từ ngày có đường khang trang, rộng đẹp, các đoàn xe du lịch chở cả 50 người cũng vào được đến tận nhà. Du lịch cũng nhờ thế mà phát triển hơn, người dân tận dụng cơ hội này đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trồng rau đặc sản bò khai, giảo cổ lam, nuôi dê núi, lợn đen để phục vụ du khách, nâng cao được thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nói về những việc làm của đảng viên trong chi bộ, ông Nông Đức Chinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Mèn cho biết: “Bà con chỉ nhìn và tin khi mình làm thôi chứ nói suông bà con không nghe đâu. Vì vậy, việc gì chi bộ cũng phân công đảng viên làm trước xong rồi mới tính đến chuyện triển khai đến dân. Tổng diện tích đất mà đảng viên và nhân dân hiến đất làm đường nội thị trong năm 2020 là hơn 1.600 m2”. Câu nói ấy của Bí thư chi bộ Nông Đức Chinh chính là tinh thần chung của mỗi cán bộ, đảng viên ở Lăng Can, góp sức làm nên những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Diện mạo mới Lăng Can

Bên cạnh việc chú trọng lãnh đạo phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, Đảng ủy xã Lăng Can còn phân công rõ trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể để vận động nhân dân hiến đất làm đường. Nhờ vậy, phong trào hiến đất đã lan tỏa ở khắp các thôn, bản. Tổng diện tích đất nhân dân hiến làm đường giao thông theo Chương trình xây dựng nông thôn mới là hơn 13,2 ha, hiến đất làm đường nội thị là hơn 5 ha. Đến nay, đường ngõ xóm đã được cứng hóa trên 9,4 km, đạt 88,6%; đường trục thôn, liên thôn và đường trục chính nội đồng được cứng hóa trên 94%; đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được nhựa hóa, bê tông hóa 26,3/26,3 km đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Có đường giao thông thuận lợi, người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 10%.

Đứng trên đèo Khau Lắc phóng tầm mắt về xã Lăng Can, khó có thể hình dung nổi một xã có nhiều khó khăn lại có tốc độ phát triển nhanh đến vậy. Những ngôi nhà cao tầng, nhà sàn khang trang, bề thế mọc lên san sát, hệ thống đường phố, cây xanh điện chiếu sáng được hoàn thiện theo hướng sạch, xanh, sáng, đẹp chuẩn đô thị loại V. Những tuyến đường về các thôn Bản Khiển, Nặm Đíp, Làng Chùa, Nà Khà, Nà Mèn, Bản Kè… hôm nay đã mang dáng dấp của phố núi. Những con đường gập ghềnh cấp phối không còn mà thay vào đó đã được trải nhựa, đổ bê tông phẳng lì rộng gấp 3 - 4 lần đường cũ, chưa kể vỉa hè được lát gạch, trồng cây xanh thẳng tắp. Các cửa hàng, cửa hiệu xen nhau mọc lên.

Chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Nà Khà, xã Lăng Can phấn khởi nói, Nà Khà nay đã khác xưa nhiều lắm, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá nhộn nhịp, hàng quán dịch vụ không khác gì chốn thị thành. Hệ thống đường đô thị được mở rộng, ô tô vào tận ngõ, đèn điện sáng trưng mỗi tối, giao thương phát triển sôi động lắm. Cũng nhờ có đường mà cửa hàng kinh doanh đồ điện máy, văn phòng phẩm của chị thuận lợi hơn hẳn, khách chỉ cần gọi điện đặt hàng là chị giao đến tận nhà. Doanh thu bán hàng năm 2019 và đầu năm 2020 tăng 30 - 40% so với những năm trước, đạt hơn 2 tỷ đồng.

Đồng chí Ma Ngọc Trường, Bí thư Đảng ủy xã Lăng Can chia sẻ: Làm được các tuyến đường này, cán bộ xã có vất vả nhưng vui lắm. Bởi những tuyến đường mở ra cơ hội lớn cho các hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, nâng cao đời sống nhân dân. Còn nhớ, trước khi có chương trình làm đường, đường vào thôn, bản, đường ra cánh đồng chủ yếu là đường đất. Những gánh rau, ngô, lúa của người dân quẩy trên vai, trên xe lặc lè và khó nhọc khi lội qua những vũng nước mưa lồi lõm khắp mặt đường. Tụi trẻ bì bõm lội để đến trường. Nhìn cảnh ấy xót xa lắm!. Bây giờ có đường mở ra biết bao cơ hội, thị trường nhà đất cũng có giá cao hơn, người nông dân bon bon tới chợ và chở lương thực về nhà, trẻ em vui cắp sách đến trường.

Từ thực tế công tác xây dựng nông thôn mới và vận động nhân dân hiến đất làm đường ở xã Lăng Can cho thấy, ở đâu cán bộ, đảng viên nêu gương, ở đó có phong trào quần chúng thi đua mạnh mẽ. Và ở đó mới có những đổi thay thực sự nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Với sự nêu gương của đảng viên, sự chung sức của các cấp chính quyền và nhân dân, xã Lăng Can đang khoác lên mình một diện mạo mới đầy sức sống.

Bài, ảnh: Hải Hương/Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục