Tân Thịnh đẩy mạnh triển khai Chương trình nuôi trâu vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chương trình nuôi trâu vỗ béo tại xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Từ những mô hìnhban đầu đến nay đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của xã Tân Thịnh trong thời gian tới.

Ông Ma Văn Kết ở thôn An Phong, xã Tân Thịnh đang thái thức ăn cho trâu

Dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ gia đình đang triển khai nuôi trâu vỗ béo ở địa phương, đồng chí Lê Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho biết, “mô hình nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo được một số hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Thịnh triển khai thực hiện thí điểm từ đầu năm 2019. Qua một thời gian thực hiện mô hình, kết quả cho thấy việc nuôi trâu vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với đầu tư chăn nuôi khác. Vì vậy từ một số hộ gia đình nuôi thí điểm đến nay đã phát triển thành Chương trình nuôi trâu vỗ béo trên địa bàn xã Tân Thịnh . Tiêu biểu một số hộ chăn nuôi đạt hiệu quả cao như hộ gia đình ông Sầm Văn Hiến thôn An Thịnh; hộ ông Mã Văn Duy thôn An Phú; các hộ ông Nguyễn Duy Hiền, ông Hoàng Văn Phúc, ông Ma Văn Kết, thôn An Phong. Để phát triển trở thành nghành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân đẩy mạnh triển khai Chương trình; kêu gọi nhà đầu tư liên kết thực hiện theo chuỗi giá trị; đề nghị cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho những hộ chăn nuôi; đề nghị hỗ trợ vốn vay để người dân có điều kiện và mạnh dạn đầu tư”.

 Đồng chí Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cũng cho biết thêm, “để triển khai thực hiện Chương trình, với xã Tân Thịnh có một số thuận lợi nhất định như: tổng đàn trâu trên địa bàn xã khá lớn, có trên 600 con, việc nhân đàn trong thời gian tới là rất thuận lợi; diện tích trồng ngô hằng năm khoảng 230 ha, diện tích trồng mía hiện có 150 ha, việc tận dụng nguồn thức ăn từ cây ngô, cây mía đáp ứng đủ nguồn thức ăn cho hàng nghìn con trâu, bò; diện tích trồng các loại cỏ có giá trị dinh dưỡng cao như cỏ voi, cỏ ghine TD58, ngày càng được nhân dân mở rộng; một số hợp tác xã chăn nuôi có uy tín trên địa bàn tỉnh đã triển khai ký, liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị với các hộ dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm và dám đầu tư vào chăn nuôi.                                         


Cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thăm mô hình nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo của gia đình ông Ma Văn Kết, thôn An Phong, xã Tân Thịnh

 Đến thăm gia đình ông Ma Văn Kết, thôn An Phong, xã Tân Thịnh là một trong những hộ gia đình đến thời điểm hiện tại đang nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo nhiều nhất trên địa bàn xã Tân Thịnh, ông Kết cho biết, “hiện gia đình đang luôi lứa thứ 4, với số lượng 21 con gồm 17 con trâu và 4 con bò. Lứa thứ 4 này mới tiếp nhận từ ngày 01/3/2020. Lứa đầu tiên nuôi 16 con bò, thời gian nuôi là 5 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/2019), trọng lượng tăng trưởng so với thời gian nhập là 3.050 kg, doanh số thu về là trên 200 triệu đồng. Lứa thứ 2, nuôi 10 con trâu, thời gian nuôi 1 tháng 10 ngày, trọng lượng tăng trưởng so với thời gian nhập là 360 kg, doanh số thu về là 27 triệu đồng. Lứa thứ 3, nuôi 31 con trâu, thời gian nuôi 1,5 tháng, trọng lượng tăng trưởng so với thời gian nhập là 660 kg, doanh số thu về là 38 triệu đồng. Như vậy trong vòng 9 tháng, gia đình tôi đã xuất bán 3 lứa với tổng trọng lượng tăng là 4.070 kg, doanh số thu về là 265 triệu đồng, trừ các khoản chi phí phần lãi trên 200 triệu đồng. Để thực hiện Chương trình, gia đình đã ký kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, có trụ sở tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn với điều khoản là HTX là đơn vị cung cấp con giống, thức ăn tinh cần thiết và mua lại toàn bộ vật luôi khi đạt yêu cầu về trọng lượng với giá thành bằng với giá bán”.

 Ông Kết vui vẻ cho biết thêm, “nuôi trâu vỗ béo đơn giản hơn nuôi thông thường, chỉ cần chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, với số lượng 30 con thì chỉ cần 01 nhân công là đủ. Với điều kiện của gia đình tôi như hiện nay có thể đảm bảo nuôi được 200 con cùng một lúc. Diện tích trồng cỏ và mía của gia đình phục vụ cho chăn nuôi là trên 8 ha. Khu chăn nuôi nằm tách biệt khu dân cư, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân và đi lại thuận tiện. Thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, cải tạo, xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo điều kiện tốt nhất cho phát triển đàn và bảo vệ môi trường xung quanh”.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục