Hoàng Khai cán đích nông thôn mới nâng cao

Xã Hoàng Khai là một trong 5 xã đăng ký về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2021 của tỉnh Tuyên Quang. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể người dân, đến nay xã Hoàng Khai cơ bản đã hoàn thành 18/18 tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân Hoàng Khai không ngừng cải thiện từ những tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được.

Hoàng Khai ra quân thực hiện vệ sinh môi trường

Về Hoàng Khai những ngày này, chúng tôi nhận rõ sự đổi thay của một địa phương đang nỗ lực cán đích NTM nâng cao với những tuyến đường được cải tạo, nâng cấp rợp bóng cây xanh giữa cánh đồng lúa chín vàng. Nhiều công trình hạ tầng nông thôn như: Trường Mầm non, Nhà Văn hóa, Trạm Y tế… được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại tạo diện mạo một làng quê NTM nâng cao hiện hữu. Đây cũng là một trong những xã có phong trào thi đua xây dựng NTM sôi nổi nhất của huyện Yên Sơn. Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, hai bên đường là những ngôi nhà khang trang điểm tô sắc màu rực rỡ của những hàng cây. Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết: “So với trước đây, Hoàng Khai đổi thay rất nhiều, xóm làng ngày càng văn minh, hiện đại, đường giao thông được bê tông hóa tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị với nông thôn. Người dân trong xã chủ động trồng, chăm sóc hoa, cây xanh trên các tuyến đường, xuất hiện nhiều mô hình nhà sạch, vườn đẹp qua đó tạo cảnh quan môi trường nông thôn vừa hiện đại vừa mang nét đẹp truyền thống của làng quê Việt.

Trường mầm non xã Hoàng Khai

Có thể khẳng định xã Hoàng Khai là một trong những điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế, huy động sức dân xây dựng NTM của huyện Yên Sơn. Kết quả rà soát thời điểm cuối năm 2020 khi triển khai chương trình xây dựng NTM nâng cao, xã đạt 13/18 tiêu chí NTM nâng cao, còn 5 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông; Quản lý, sử dụng công trình hạ tầng KTXH; Thu nhập, Tổ chức sản xuất; Cảnh quan môi trường. Tổng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng để xã đạt chuẩn khoảng 20.170,0 triệu đồng bao gồm: Bê tông hóa đường trục thôn - liên thôn, bê tông hóa đường nội đồng; xây dựng Trường Mầm non (10 phòng chức năng, 03 phòng học; 02 khu vệ sinh), xây dựng Trường Tiểu học (12 phòng học, phòng chức năng; 01 nhà bếp và 01 khu thể thao có mái che) xây dựng Trường THCS (13 phòng học, phòng chức năng và 01 khu thể dục có mái che); Xây dựng trạm y tế xã. Đến nay, xã đã hoàn thành bê tông hóa 29,8 km đường trục thôn, liên thôn, bê tông hóa 15 km đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa là 4,59 km...

Không chỉ hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, xã Hoàng Khai còn tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua việc ưu tiên đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy. Dự án cánh đồng lớn sản xuất giống lúa lai, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ của Công ty cổ phần Giống vật tư nông lâm nghiệp Tuyên Quang với 30 hộ dân thôn Đồng Thắm, xã Hoàng Khai tham gia được triển khai đã đạt được kết quả đáng khích lệ, thu nhập của người nông dân tăng 20 đến 30%  so với sản xuất lúa thương phẩm. Xã cũng phát huy tốt vai trò của hợp tác xã trong khâu dịch vụ sản xuất điển hình là Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, xã Hoàng Khai thực hiện mô hình liên kết sản xuất nuôi trâu, bò thịt theo chuỗi giá trị. Mỗi năm HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cung cấp hơn 1.000 con trâu, bò giống cho người nông dân ở Tuyên Quang. Nhờ tập trung phát triển kinh tế đến nay tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo là 3.000/3.402 người đạt 88%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%, thu nhập đạt 48,3 triệu đồng/người/năm.

Đối với tiêu chí môi trường xã đã chỉ đạo thành lập được 15 tổ tự quản tại 12 thôn của xã; trong đó có 12/12 thôn có tổ tự quản “Bảo vệ môi trường và chống rác thải nhựa”; một tổ tự quản về “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định”. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp với UBND và Ban Công an xã thành lập hai tổ tự quản về “An ninh trật tự” tại thôn Tân Quang và Yên Thái. Các tổ tự quản đều đã xây dựng Quy chế, duy trì hiệu quả hoạt động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, nhất là tác hại của rác thải nhựa khi xả thải ra môi trường tự nhiên; vận động nhân dân hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, có biện pháp phân loại, thu gom. Đến nay tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 1352/1479 hộ, đạt 91,4 %, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch là 1352 /1479 hộ, đạt 91,4 %, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh là 1382/1479 hộ, đạt 93,44 %, tỷ lệ hộ có nhà tắm hợp vệ sinh là 1400/1479 hộ, đạt 95 %, tỷ lệ hộ có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 1414/1479 hộ, đạt 95,69%, tỷ lệ hộ gia đình đảm bảo 3 sạch là 1365/1479, đạt  92,29%.

Để thúc đẩy việc xây dựng NTM nâng cao, ngoài sự nỗ lực của từng người dân đòi hỏi tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực, có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở để thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực, vai trò chủ thể của nhân dân khu vực nông thôn; còn vai trò của chính quyền các địa phương được xác định là định hướng, tổ chức. Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang Lê Hải Nam cho rằng “Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để thông suốt về nhận thức, tư tưởng không chủ quan trước những kết quả đã đạt được. Đồng thời phải liên tục sáng tạo, đổi mới để hoàn thiện hơn nữa từng nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự... trong xây dựng NTM nâng cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, tiếp tục hỗ trợ thực hiện hiệu quả chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản; Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh cũng tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG và UBND tỉnh tạo điều kiện, khuyến khích thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để giải quyết tiêu thụ nông sản cho nông dân… để xây dựng NTM nâng cao thực chất, bền vững”, ông Lê Hải Nam cho biết thêm.

Với sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, diện mạo làng quê, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Hoàng Khai đã thay đổi toàn diện. Theo kết quả rà soát, đánh giá xã cơ bản đạt 18/18 tiêu chí (tăng 5 tiêu chí so với thời điểm rà soát năm 2020). Hiện nay, xã tập đang trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận xã Hoàng Khai đạt chuẩn NTM nâng cao./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục