Phú Thịnh “Tăng tốc” về đích nông thôn mới

Những ngày này đến xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn chúng ta cảm nhận rõ sự hối hả, khẩn trương của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây khi đang hoàn tất những công việc cuối cùng để phấn đấu về đích đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ vùng đất còn nhiều gian khó ngày nào, Phú Thịnh đang dần khoác trên mình diện mạo của vùng quê NTM khang trang, giàu đẹp hơn.

UBND xã Phú Thịnh được đầu tư khang trang.

Là xã thuần nông, điểm xuất phát thấp nên bước vào xây dựng NTM, Phú Thịnh gặp không ít những khó khăn, đến hết năm 2020, Phú Thịnh mới đạt 13/19 tiêu chí. Tuy nhiên, đến tháng 11 năm 2021, Phú Thịnh đã đạt 17/19 tiêu chí. Phấn đấu đến hết năm 2021 sẽ đạt 02 tiêu chí còn lại là (Trường học, Thu nhập)

Trao đổi về quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, ông Tạ Xuân Trình, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, ngay khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của chương trình, tất cả đều hướng đến người dân, để người dân có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, người dân phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động khắc phục khó khăn, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng NTM với phương châm  "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Nhà nước hỗ trợ”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, đặc biệt là được sự quan tâm lãnh đạo và hỗ trợ về nguồn lực của các cấp, các ngành đã giúp cho việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Phú Thịnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế tiếp tục phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,08%, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Sản xuất nông lâm nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất lúa bình quân hàng năm đạt 63,58 tạ/ha, diện tích đất rừng sản xuất được giao cho các hộ trồng và kinh doanh rừng là trên 424 ha đã được cấp chứng chỉ rừng (FSC). Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới nhân dân đã hiến trên 1.700 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, đóng góp trên 2 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn. Đến hết tháng 8 năm 2021, Phú Thịnh đã có 12,5 km đường giao thông được nhựa hóa (Đường Quốc lộ 2C và Đường Hồ Chí Minh), 17,3 km đường nội đồng cũng được bê tông hóa; kiên cố hóa trên 7.140 m kênh mương; 624/624 hộ dân được sử dụng điện an toàn từ đường dây điện lưới quốc gia; lao động trong độ tuổi có việc làm đạt 95,8%; số thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa là 6/6 đạt 100%; 624/624 hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh là 565/624 đạt 90,5% nhà tắm là 552/624 đạt 88%, bể nước sinh hoạt là 619/624 đạt 95%.

Liên quan đến tiêu chí môi trường xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tại các thôn xây dựng các tuyến đường tự quản, hằng tuần, tháng, tổ chức dọn dẹp môi trường tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp; xây dựng khuôn viên tường rào. Tổ chức thu gom, xử lý rác thải trên tất cả các tuyến, bằng việc vận động nhân dân phân loại rác, đảm bảo vệ sinh môi trường... Nổi bật, là việc thực hiện “Ngày thứ 7 xanh” trên địa bàn xã tạo sức lan tỏa mạnh. Xã cũng đã thành lập 6 Tổ tự quản về bảo vệ môi trường tại 6 thôn trên địa bàn xã, hoạt động của tổ tự quản đã dần đi vào nền nếp, ý thức về bảo vệ môi trường của nhân dân được nâng lên, tình trạng vứt, xả rác bừa bãi đã được khắc phục, đường làng ngõ xóm sạch đẹp.

 Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hướng tới sản xuất hàng hoá, liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới xã đã quan tâm xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Rượu men lá ATK” và liên kết với hợp tác xã (HTX) chăn nuôi và sản xuất Giống gia cầm Minh Tâm, có địa chỉ tại xã Tú Thịnh huyện Sơn Dương; triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trồng dưa leo, trên ruộng 1 vụ, mô hình này được triển khai tại 2 thôn, 19 hộ gia đình tham gia, quy mô 1 ha, xã hỗ trợ giống, 50% vật tư, gồm phân bón và nilon che phủ, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đây là giống dưa dễ trồng, dễ chăm sóc, đến nay dưa đã bắt đầu cho thu hoạch, HTX Minh Tâm thực hiện cam kết thu mua với giá 6.000 đồng/kg; tháng 8/2021  Hội Nông dân tỉnh cũng đã giải ngân 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để triển khai dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Phú Thịnh. Theo đó, 10 hộ nông dân trên địa bàn xã được vay, mỗi hộ 40 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi bò sinh sản trong thời gian 36 tháng. Ngoài ra xã cũng mở rộng diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế như bưởi, nhãn, vải, thanh long... Toàn xã hiện có 31,5 ha cây ăn quả các loại góp phần không nhỏ trong việc ổn định, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực mang lại thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

Mục tiêu mà xã Phú Thịnh đề ra trong thời gian tới là xây dựng thành công xã NTM gắn với nâng cao đời sống vật chất cho người dân, đồng thời cũng nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, tiếp tục nâng cao chất lượng 16 tiêu chí đã đạt và “Tăng tốc” hoàn thành 02 tiêu chí chưa đạt. Cụ thể để “cán đích” NTM vào cuối năm 2021 Phú Thịnh sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp 02 công trình trường học (Trường Mầm non; Trường Tiểu học và THCS Phú Thịnh). Tiếp tục sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, đồng thời vận động người dân đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đem lại hiệu quả cao trên diện tích đất canh tác. Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và tổ liên kết sản xuất; hình thành các vùng sản xuất nông sản chuyên canh, an toàn, có quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhân dân, từng bước chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động hướng tới nâng cao thu nhập cho người dân (đạt trên 38 triệu đồng/người/năm).

Để hoàn thành các mục tiêu đó, Đảng uỷ xã đã đề ra các giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình để người dân chủ động thực hiện các công trình, phần việc do mình thực hiện, khuyến khích nhân dân tích cực tham gia tổ hợp tác sản xuất và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương

Thực hiện chương trình NTM đến nay đã tạo sự chuyển biến cả về lượng và chất đối với xã Phú Thịnh. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh Tạ Xuân Trình cho rằng, vẫn còn một số tồn tại trong chặng đường đã qua: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh; sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhãn hiệu còn ít, chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao. Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch NTM còn chưa kịp thời, phù hợp với tình hình mới.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận cao của người dân, Phú Thịnh quyết tâm phấn đấu thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí, hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM theo đúng tiến độ đề ra./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục