Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Tiếp tục thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh Tuyên Quang đã đào tạo nghề cho trên 4.239 lao động nông thôn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nhiệp cho lao động ở xã Minh Khương, huyện Hàm Yên

Thời gian qua, để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020" trên địa bàn. Theo đó, cùng với những giải pháp đồng bộ và mang tính bền vững tăng thu nhập cho lao động nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan mà nòng cốt là Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các giải pháp cụ thể, chỉ đạo tổ chức mở các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động; đồng thời, gắn đào tạo nghề với sản xuất những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của từng huyện, xã. Các nội dung hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững phải gắn với các lớp dạy nghề cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Lao động nông thôn tham gia học nghề May công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Sơn Dương

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Sảo, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" từ cấp tỉnh đến cơ sở từ năm 2010, hàng năm đều tiến hành tổng kết, đánh giá, kiện toàn; bổ sung 01 biên chế chuyên trách quản lý dạy nghề cho lao động nông thôn thuộc phòng Lao động - TBXH các huyện, thành phố; ban hành quy định mức chi phí đào tạo nghề, mức hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn và danh mục nghề đào tạo phụ hợp với thực tế, định hướng phát triển, chuyển dịnh lao động của tỉnh.

Để đảo bảo chất lượng dạy và học, tránh lãng phí nguồn kinh phí được hỗ trợ, đầu tư, tỉnh yêu cầu chỉ dạy nghề cho người học dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học; đối với cơ sở dạy nghề, liên hệ và giới thiệu việc làm cho lao động, đảm bảo trên 70% người học có việc làm sau khi học nghề, ký hợp đồng với các doanh nghiệp để nhận lao động vào làm việc khi hoàn thành khoá học; tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả. Tiến hành sáp nhập và bổ sung nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề cho trung tâm dạy nghề các huyện để ưu tiên dạy nghề ở những vùng chuyên canh, các xã xây dựng nông thôn mới, các điểm di dân tái định cư Dự án Thủy điện Tuyên Quang.


Lãnh đạo Sở Lao động TB và XH và huyện Chiêm Hóa  trao chứng chỉ tốt nghiệp

cho học viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX huyện Chiêm Hóa

Kế hoạch năm 2019, tỉnh Tuyên Quang tổ chức đào tạo nghề cho 8.000 lao động, trong đó đào tạo trình độ Cao đẳng nghề 350 lao động; trình độ trung cấp nghề 500 lao động; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên 7.150 lao động, trong đó 3.185 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg (945 lao động học nghề phi nông nghiệp, 2.240 lao động học nghề nông nghiệp). Đến hết tháng 6 đã tổ chức đào tạo cho 4.239 lao động, đạt 52,98% kế hoạch. Trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là 1.505 người (450 lao động học nghề phi nông nghiệp, 1055 lao động học nghề nông nghiệp).

Đồng chí Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết thêm, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 lên 57%, trong đó tỷ lệ qua  đào tạo nghề 35%, trong thời gian tới Sở Lao động TB và XH phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai Kế hoạch đào tạo đã được phê duyệt, đặc biệt là Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đào tạo nghề tại cơ sở. Qua đó đánh giá hiệu quả sau đào tạo gắn với việc làm và cơ cấu lao động của tỉnh; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nếu chưa phù hợp, hiệu quả thấp; chỉ đạo ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tại các xã mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần hoàn thành sự nghiệp xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong năm 2019./.

Phạm Đình Tuyên/VPĐP NTM tỉnh

Tin cùng chuyên mục