Đẩy mạnh thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 358/QĐ-UBND ngày 8/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; việc triển khai thực hiện Đề án đã được thực hiện chủ động, sáng tạo, bài bản; các cơ chế, chính sách, đề án được ban hành đồng bộ, kịp thời triển khai từ tỉnh đến cơ sở, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, qua đó đã có tác động quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ngày càng được nâng cao.

Thực tiễn cho thấy, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn là một hướng đi quan trọng, hiệu quả, đem đến những đổi thay về chất cho đời sống người dân, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn của tỉnh. Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) năm 2023 đạt trên 10.801 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 03 năm 2021-2023 đạt 5,2%/năm; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 chiếm 25,8% cơ cấu GRDP của tỉnh; GRDP đứng thứ 5 khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân/ha canh tác đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 110 triệu đồng/ha (tăng 1,2 lần so với năm 2020). Số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 dự kiến có thêm 12 xã (vượt 4,2% KH năm 2023), lũy kế có 74 xã đạt  chuẩn  nông  thôn  mới (đạt  87%  kế hoạch giai đoạn 2021-2025). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,21%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2023 đạt 96,5%. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất như ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, rau thủy canh; sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng nuôi cấy mô; cải tạo đàn trâu, bò, đàn lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đặc sản; mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SAN, hữu cơ trên các loại cây trồng chủ lực, tổng diện tích trên 1.600 ha; kiên cố hóa kênh mương bằng công nghệ bê tông thành mỏng đúc sẵn trên 944 km…

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển theo các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng theo hướng bền vững, như: Vùng núi cao phía Bắc (huyện Na Hang, Lâm Bình) chủ yếu phát triển các sản phẩm đặc sản như chè Shan tuyết, lạc, lê Hồng Thái, trâu thịt, lợn đen, gà thả vườn, vịt bầu  thả suối, dê núi, ong mật, nuôi cá lồng trên hồ thủy điện. Vùng đồi núi phía Bắc (huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên) tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như cam, chè, mía, chanh, chuối, gỗ rừng trồng, trâu, lợn, gà thả vườn, vịt bầu địa phương, nuôi cá lồng trên sông, hồ thủy điện. Vùng trung tâm (huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang) phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại, chè, gỗ rừng trồng, rau quả hữu cơ, mía, trâu, và hồng không hạt Xuân Vân, nhãn, lúa chất lượng cao, na, chuối. Vùng phía Nam (huyện Sơn Dương) phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng gia trại, trang trại, chè, gỗ rừng trồng, rau quả hữu cơ, mía, trâu, lúa chất lượng cao, chuối.

Nuôi vịt bầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương

Giai đoạn 2024-2025, Đề án phấn đấu đạt mục tiêu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; đến năm 2025, cơ cấu GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản: Nông nghiệp chiếm 76,6% (giảm 7,3%), lâm nghiệp chiếm 18,3% (tăng 5,3%), thủy sản chiếm 5,1% (tăng 1,9%); giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha canh tác nông nghiệp, rừng trồng, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020; toàn tỉnh có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm.

Đề án đã xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đề cập đến nhiều nội dung như xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ… Đây là những định hướng quan trọng trong việc kết hợp giữa cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Đề án cũng xác định kết quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp là điều kiện quan trọng để hoàn thành 06 tiêu chí xây dựng nông thôn mới về thủy lợi, thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tổ chức sản xuất, lao động có việc làm, môi trường và an toàn thực phẩm; là điều kiện để nhân dân chỉnh trang nhà cửa, đóng góp xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo tiêu chí nông thôn mới theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”.

La Thị Duyên/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục