ATK hôm nay

Những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm các xã ATK. Kể từ mùa thu Cách mạng năm 1945, các xã ATK đã có nhiều đổi thay, cuộc sống mới ấm no, đầy đủ hơn; diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc.

Người dân thôn Khuôn Hẻ, xã Kim Quan (Yên Sơn) thu hái chè.

Các xã ATK huyện Sơn Dương, Yên Sơn gồm: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Lương Thiện, Bình Yên, Hợp Thành, Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan, Trung Sơn, Công Đa, Phú Thịnh, Đạo Viện, Mỹ Bằng. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, bà con nhân dân nơi đây đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển đa dạng các mô hình kinh tế, đem lại thu nhập khá... Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn các xã ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng nông thôn với các công trình điện, đường, trường, trạm ngày càng được hoàn thiện, phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Ông Ma Triệu Phú, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh (Sơn Dương) nói, toàn xã có 1.500 hộ với 6.004 nhân khẩu, trong đó có 8 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cuộc sống người dân đã được nâng lên. Năm 2019, xã phấn đấu hoàn thành 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23%; thu nhập bình quân đạt gần 28 triệu đồng/người/năm. Đến nay toàn xã đã làm được trên 63 km đường bê tông nông thôn. Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn đạt 100%; xã duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Các trường học trên địa bàn đều đã đạt chuẩn Quốc gia... 

Một đoạn đường bê tông nội đồng thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh( Sơn Dương). Ảnh : Anh Chung

Nằm trong các xã ATK của huyện Sơn Dương, xã Lương Thiện có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, tỉnh, huyện, những năm qua, xã đã tập trung thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ông Vương Ngọc Vản, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 838 hộ với 3.938 nhân khẩu, từ năm 2016 đến nay, xã được giao gần 4 tỷ đồng vốn Chương trình 135. Từ nguồn vốn này, UBND xã đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cây con giống, máy móc sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 55,41% (năm 2016) còn 18% (năm 2018). 

Ông Phan Văn Đường, thôn Tân Thượng, xã Lương Thiện chia sẻ, gia đình ông thuộc hộ nghèo, năm 2017, ông được hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình 135. Sau đó, ông được tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi bò do Khuyến nông huyện tổ chức. Nhờ vậy, ông đã áp dụng vào chăn nuôi bò của gia đình, đến nay con bò đã sinh được 1 con bê con. Ngoài ra, gia đình còn tập trung chăm sóc gần 1 ha rừng, chè và 3 sào ruộng. Cuối năm 2019, gia đình ông phấn đấu thoát nghèo.

Đến Kim Quan (Yên Sơn) trong những ngày tháng Tám, chúng tôi nhận thấy khí thế xây dựng nông thôn mới của người dân nơi đây. Ông Long Đình Lương, Chủ tịch UBND xã nói, trong 6 tháng đầu năm 2019, cùng với xi măng được Nhà nước hỗ trợ, người dân trong xã đã đóng góp trên 360 triệu đồng, tham gia trên 1.200 ngày công lao động, hiến trên 1.500 m2 đất để làm 2.210m đường nội đồng vào khu vực sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, người dân đóng góp ngày công để lắp ghép trên 400 m kênh mương nội đồng; tổ chức lắp đặt 5 công trình thắp sáng đường quê tại tuyến đường các thôn với tổng chiều dài 5.200 m. Xã đẩy nhanh tiến độ xóa 41 nhà tạm, dột nát (đến nay 41/41 nhà đã khởi công xây dựng, trong đó có 10 nhà đã hoàn thiện)... 

Du khách tham quan mô hình trải nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương).

Ông Dương Văn Doanh, thôn Khuôn Hẻ là người hiến gần 6.000 m2 để xây dựng trường Tiểu học Kim Quan chia sẻ: “Tôi tự hào khi góp phần nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã”. 

Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2014, đời sống người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) ngày một đổi thay. Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã tập trung phát triển kinh tế, khuyến khích người dân khai thác tối đa tiềm năng lợi thế từ ngành nghề truyền thống, cải tạo vườn chè già cỗi, trồng thay thế bằng các giống chè lai, chè đặc sản có năng suất. Nhờ đó, năng suất chè bình quân của xã đạt 15,2 tấn/ha, tăng 2 tấn so với năm 2014; cá biệt có vườn chè năng suất lên đến trên 20 tấn/ha, trung bình mỗi năm xã thu khoảng 50 tỷ từ làm chè. Nhiều vườn chè của người dân trong xã đã trở thành vườn mẫu để các địa phương trong và ngoài tỉnh học tập. Người dân Mỹ Bằng còn mở rộng phát triển chăn nuôi và làm dịch vụ để tăng thu nhập. Nhờ đó, nhóm tiêu chí về mức sống, thu nhập đã được nâng lên mốc mới. Xã có trên 90% nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8% năm 2014 xuống 4% cuối năm 2018; thu nhập đạt 2,9 triệu đồng/người/tháng…

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân các xã ATK đã luôn đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế để có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, người dân luôn ý thức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương... Từ đó, tạo ấn tượng với du khách gần xa khi đến tham quan, trải nghiệm và du lịch về nguồn.

Tin, ảnh: Minh Thủy, Giang Lam/ Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục