Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới: Cần sự quyết liệt từ địa phương

TQĐT - Tại nhiều xã đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thì tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất, khiến không ít địa phương loay hoay. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện mới có 10 xã đạt tiêu chí này.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, Sơn Nam đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2020. Qua thực hiện xã nhận định, tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất đối với xã. Chỉ riêng việc quy hoạch bãi tập kết rác thải của người dân, rồi xử lý lượng rác thải tập kết đã khiến xã loay hoay, trong khi lượng rác thải sinh hoạt của người dân mỗi ngày là rất lớn; chưa kể đến việc xây dựng 3 công trình hợp vệ sinh, quy hoạch nghĩa trang tập trung.


Đường bê tông liên thôn xã Đức Ninh (Hàm Yên) được vệ sinh sạch sẽ.

Tại xã Hùng Đức (Hàm Yên), tiêu chí môi trường cũng đang khiến chính quyền xã đau đầu. Ông Bàng Đức Trị, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, hiện bãi tập kết rác thải sinh hoạt tại địa phương vẫn rải rác và do người dân tự phát hình thành. Đối với việc xây dựng 3 công trình vệ sinh, từ năm 2013 đến nay, từ nguồn vốn chương trình 135, xã đã hỗ trợ 1.000 hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ thấp (khoảng 1 triệu đồng/hộ), trong khi đa số các hộ đều là hộ nghèo, thêm vào đó, do tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều hộ dân trong xã vẫn có thói quen buộc trâu dưới sàn nhà... 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, sở dĩ các địa phương khó hoàn thành tiêu chí môi trường là do sức ép từ rác thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp còn bừa bãi... Song bên cạnh đó có cách làm hay của xã Đại Phú (Sơn Dương), một trong những xã điểm của huyện trong xây dựng nông thôn mới. Đại Phú hiện đang phấn đấu đến năm 2017 hoàn thành 19 tiêu chí, trong đó mục tiêu là ngay trong năm 2016 hoàn thành tiêu chí môi trường. 

Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Đại Phú cho biết: Khi bắt tay vào thực hiện, xã cũng loay hoay với tiêu chí này, một phần do ý thức của người dân, một phần do nguồn lực hạn chế. Rất may, Đại Phú là một trong những xã được tổ chức phi chính phủ GNI đầu tư nguồn lực xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Từ năm 2013 đến nay, GNI đã hỗ trợ Đại Phú xây dựng được 100 bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời từ nguồn quỹ bảo vệ môi trường, xã cũng xây dựng thêm được 105 bể chứa; thu gom hơn 500 kg vỏ bao bì. Các hộ chăn nuôi gia súc quy mô lớn của xã cũng được yêu cầu cam kết phải xây dựng hầm bể bioga để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. 

Đối với rác thải sinh hoạt, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đại Phú xây dựng Nghị quyết chuyên đề, trong đó xã đã thiết kế bản vẽ mẫu và hướng dẫn các hộ gia đình tự xây dựng bể đốt rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình. Bí thư chi bộ thôn Đồng Giếng Nịnh Văn Vượng cho biết, việc thiết kế xây dựng các bể đốt rác thải sinh hoạt tại các gia đình là rất cần thiết và hợp lý. Hiện thôn đã triển khai đến tất cả các hộ gia đình, trong đó vận động các đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Ông Trần Văn Nhâm là một trong những hộ gia đình đầu tiên ở Đồng Giếng xây dựng bể đốt rác thải sinh hoạt cho biết, gia đình ông vừa hoàn thành bể đốt rác theo mẫu của xã. Kinh phí xây dựng chưa đến 500 nghìn đồng, nhưng hiệu quả lại cao, vì trước đây rác thải sinh hoạt của gia đình thường đổ vào góc vườn, rất mất vệ sinh, giờ thì khác rồi vì có rác đến đâu gia đình đốt đến đấy. 

Kinh nghiệm từ Đại Phú cho thấy, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ nhà nước, thì xã cần chủ động tìm ra giải pháp, cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để triển khai nhân rộng.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục