Yên Bái: Khởi sắc trong xây dựng Nông thôn mới

Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay, bộ mặt nông thôn tỉnh Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được xây dựng theo hướng đồng bộ, đời sống người dân không ngừng được nâng cao.

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch về chủ trương, cơ chế, chính sách và hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ với quyết tâm chính trị rất cao. Các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia.

Trong 10 năm, toàn tỉnh đã tổ chức được khoảng 520 hội nghị, dựng gần 1.000 pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng NTM; tổ chức biên tập và phát sóng nhiều tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức 86 lớp tập huấn và trên 100 lớp tuyên truyền về xây dựng NTM tại các xã trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đã làm chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân về xây dựng NTM.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình, các cấp, ngành đã huy động được 825,4 tỷ đồng nguồn lực từ nhân dân trong xây dựng NTM cùng với đó nhân dân đã hiến 180ha đất, hàng chục nghìn các loại cây cối hoa màu, trên 1.200.000 ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi, chỉnh trang nhà văn hoá thôn.

Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã có bước chuyển tích cực. Nếu như năm 2011, khi bước vào triển khai Chương trình xây dựng NTM, trên địa bàn tỉnh không có xã đạt trên 15 tiêu chí, 2 xã đạt trên 10 tiêu chí, thì tính đến 10/8/2019, toàn tỉnh Yên Bái đã có 54/157 xã (34,3%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân đạt 13,69 tiêu chí/xã. Dự kiến đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 68 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Yên Bái đã đã ưu tiên lồng ghép các chương trình với tổng số vốn huy động hơn 23.730 tỷ đồng để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn tiếp tục được đầu tư, xây dựng cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh đã hoàn thành việc kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài 1.478,61km, và mở mới nền đường với chiều dài trên 1.706km. Các địa phương đã sửa chữa nâng cấp làm mới các công trình thuỷ lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ngoài ra, hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó có nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng như: Mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng chè…

Hiện tại, tỉnh đang triển khai các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; trong đó đang tiến hành tổ chức xây dựng các đề án sản xuất hàng hóa tập trung chi tiết đối với những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng, miền; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng.

Từ những chủ trương chính sách đó đã góp phần nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn đến hết tháng 6/2019 đạt 29,88 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 11,8%. Đồng thời, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 81 xã (chiếm 51,59 %) đạt tiêu chí về thu nhập, 75 xã (chiếm 47,77 %) đạt tiêu chí số về tỷ lệ hộ nghèo, 146 xã (chiếm 92,99% ) đạt tiêu chí việc làm.

Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2020 có 80 xã và huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM; nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã, giảm số xã dưới 10 tiêu chí xuống còn 60 xã.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của cộng đồng dân cư, hi vọng trong thời gian tới phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bài, ảnh: Thái Hà/Báo Xây dựng

Tin cùng chuyên mục