Xây dựng NTM ở Quảng Ninh: Khai thông vướng mắc, tạo kết quả vượt trội

Hiện nay, Quảng Ninh đã thực hiện quy hoạch 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung để phát triển các sản phẩm chủ lực và hình thành chuỗi sản phẩm OCOP để sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo hướng tập trung tại các địa phương, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh- Nguyễn Xuân Ký (thứ nhất từ phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh- Nguyễn Văn Thắng (thứ hai từ phải) xem sản phẩm OCOP Quảng Ninh.

Nhiều tiêu chí nổi trội

Quảng Ninh có 92 xã thuộc diện miền núi, dân tộc, biên giới, hải đảo, trong đó có 17 xã và 54 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Nếu tính cả số thôn trong 17 xã ĐBKK, thì cả tỉnh có 208 thôn ĐBKK, điều kiện tập tục sản xuất hết sức thấp kém, thu nhập bình quân đầu người rất thấp (năm 2010 chỉ mới 10,98 triệu đồng/người/năm)…

Mặc dù với đặc thù khó khăn và xuất phát điểm thấp như vậy, tuy nhiên sau gần 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành các chỉ tiêu, về đích trước 1 năm so với yêu cầu đặt ra, với nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước.

Cụ thể, Quảng Ninh đã có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có 2 đơn vị là TP. Móng Cái, TP. Uông Bí đã được Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định, đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận. Dự kiến đến cuối năm 2019 có ít nhất 90 xã đạt chuẩn NTM, bằng 81,1% (bình quân cả nước là 50,26%). Số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí (bình quân cả nước: 15,26 tiêu chí (cao hơn gần 3 tiêu chí).

Đáng chú ý, thị xã Đông Triều là đơn vị cấp huyện đầu tiên của miền Bắc hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên hoàn thành Chương trình xây dựng NTM của cả nước. Xã Việt Dân (thị xã Đông Triều) là xã đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước. Đây là những thành tựu nổi trội so với cả nước.

Chương trình khác biệt, thu nhập đột phá

Quảng Ninh có nhiều giải pháp sáng tạo về tuyên truyền vận động, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cán bộ và đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân về xây dựng NTM, đặc biệt là hai giải pháp tạo đột phá về sản xuất và thu nhập.

Một là, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với những cách làm sáng tạo. Chương trình OCOP đến nay đã triển khai qua 6 năm và đạt được kết quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng ĐBKK. Toàn tỉnh đến nay có 167 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 196 sản phẩm đạt sao (8 sản phẩm 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao).

Đặc biệt, từ thành công chương trình OCOP Quảng Ninh, tháng 5/2018, Chính phủ đã quyết định phát triển OCOP thành chương trình quốc gia.

Hai là, Quảng Ninh cũng là địa phương xây dựng đề án riêng (gọi tắt là Đề án 196) về nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.

Đề án 196 là sáng tạo và cách làm riêng của tỉnh trong thực hiện Chương trình 135. Đề án được triển khai các giải pháp đồng bộ và sáng tạo, quyết tâm đưa toàn bộ các xã và các thôn ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 trong năm 2019, để khẳng định Quảng Ninh là điểm sáng, là tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành Chương trình 135.

“Dự kiến cuối năm 2019, thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 41,1 triệu đồng/người/năm (tăng 30,12 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 1% (so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 4,5%)”, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết. 

Bài, ảnh: Xuân Phú/Báo Dân tộc

Tin cùng chuyên mục