Thông tin đi trước để phát triển OCOP

Nâng cao hiệu quả thông tin thị trường là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế vùng DTTS và miền núi trong hội nhập. Giải pháp này càng phải được chú trọng khi triển khai Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP).

Tổ chức kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm OCOP. (Ảnh minh họa)

Đối với thông tin thị trường trong Chương trình OCOP, yêu cầu quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng là sản phẩm và tổ chức kinh tế. Về sản phẩm, thông tin thị trường mà hộ sản xuất cần là nhu cầu thị trường về chủng loại sản phẩm, chất lượng, sản lượng, giá cả, thị hiếu, mẫu mã bao bì, quy trình sản xuất, pháp lý sản phẩm... 

Về tổ chức kinh tế, muốn thông tin thị trường đến được nhà sản xuất và phát huy được thì nhà sản xuất nên là tổ chức kinh tế. Đó là các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp. Vì vậy, khâu tư vấn, tập huấn, hỗ trợ thủ tục để người sáng lập doanh nghiệp, HTX, bồi dưỡng kiến thức quản trị sản xuất… cần được chú trọng.

Kinh nghiệm từ Quảng Ninh - địa phương đi đầu cả nước về triển khai Chương trình OCOP cho thấy rõ điều này. Là tỉnh có nhiều sản phẩm đặc sản đặc trưng (trà hoa vàng, nếp cái hoa vàng, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên…), Quảng Ninh cũng đồng thời có thị trường tiêu thụ nông sản rộng lớn (bao gồm gần 1,3 triệu người dân Quảng Ninh và hơn 8 triệu khách du lịch mỗi năm). Do vậy, tỉnh đã chú trọng mở rộng thông tin về sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Ngoài ra, để phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia OCOP. Nhờ đó, nếu như năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 40 tổ chức kinh tế thì đến hết tháng 10/2019 đã có 164 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất trực tiếp tham gia Chương trình OCOP. Sản phẩm OCOP của tỉnh cũng tăng nhanh, từ 40 sản phẩm (2014) lên thành 421 sản phẩm (2019).

(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Bài, ảnh: Tùng Nguyên/Báo Dân Tộc

Tin cùng chuyên mục