Quảng Trị: Gỡ “nút thắt” trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm (2011 - 2020), kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM), giữa khu vực miền núi và miền xuôi của tỉnh Quảng Trị vẫn có sự chênh lệch rất lớn. Để giúp các địa bàn khó khăn của tỉnh xây dựng NTM không phải là việc dễ dàng.
Người dân tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn (Ảnh minh họa)

Xã Ba Nang (huyện Đakrông) có 9 thôn với 614 hộ, đa số là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Đời sống Nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau 10 năm xây dựng NTM, hiện xã Ba Nang chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Theo ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang, dù đã rất nỗ lực, nhưng địa phương rất chật vật trong xây dựng NTM. Sau 10 năm, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm trên 52%, thu nhập bình quân chưa đến 10 triệu đồng/người/năm.

Tương tự, ở xã biên giới A Dơi (huyện Hướng Hóa), kết quả xây dựng NTM đến nay cũng mới đạt 11/19 tiêu chí. Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã A Dơi, ông Đoàn Hoàng Nam, để về đích NTM đối với xã thực sự khó khăn vì đa số các tiêu chí chưa đạt, cần nguồn lực đầu tư lớn.

Theo ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, để thực sự tạo “cú hích” cho các xã khó khăn hoàn thành xây dựng NTM, thời gian tới, huyện sẽ phải lồng ghép, tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng thời, tạo điều kiện cho Nhân dân vay vốn đầu tư sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học-kỹ thuật để tăng giá trị sản xuất. Ngoài nỗ lực của huyện, thì chính quyền các địa phương cần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo để vận dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ trong xây dựng NTM.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong Chương trình xây dựng NTM của Quảng Trị, khoảng cách chênh lệch giữa vùng miền xuôi và vùng miền núi còn rất lớn. Vì thế, thời gian tới, tỉnh sẽ dành một số ưu tiên về nguồn vốn để đầu tư cho khu vực này để xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng các mô hình kinh tế nhằm bảo đảm sinh kế cho người dân. 

Bài, ảnh: Minh Thứ/Báo Dantoc.vn

Tin cùng chuyên mục