Khởi sắc nông thôn mới ở Na Rì

Sau một thời gian dài thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dù trải qua không ít khó khăn, nhưng đến nay, bộ mặt nông thôn huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã có nhiều khởi sắc.

HTX Hương Rừng góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới Na Rì

Trong đó, sự thay đổi đáng kể nhất là về hạ tầng giao thông nông thôn; dân trí được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn ổn định, nhân dân tích cực lao động sản xuất, đóng góp tiền của, công lao động, hiến đất xây dựng nông thôn mới.

Tích cực ở nhiều mặt

Chương trình xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó người dân là chủ thể. Bởi vậy công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, nắm chắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được xã quan tâm và duy trì thường xuyên, liên tục.

Những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện cuộc vận động "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới" gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp xã, ban phát triển thôn được thành lập từ những năm đầu thực hiện chương trình và thường xuyên được kiện toàn khi có thay đổi về nhân sự và luôn hoạt động tích cực, hiệu quả như tổ chức các cuộc họp, về cơ sở nắm bắt việc triển khai thực hiện.

Là địa phương khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, huyện từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành được vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường ngày càng được quan tâm. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.

Từ 2013 - 2019, toàn huyện đã huy động hiến đất, ngày công, tiền mặt đóng góp và chỉnh trang nhà cửa quy đổi được trên 71.947 triệu đồng, trong đó huy động trên 719.135 ngày công lao động, hiến trên 57.477m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác, đóng góp vật tư, hiện vật trị giá 70.913 triệu đồng; huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp bằng tiền mặt được trên 1.033 triệu đồng.

Thay đổi bộ mặt nông thôn

Bởi vậy, sau hơn 10 năm triển khai chương trình, bộ mặt nông thôn Na Rì đã có những chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, số các tiêu chí đã hoàn thành tăng lên.

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn từng bước phát triển. Toàn huyện có 20 chợ phục vụ nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa của thương nhân và nhân dân trong vùng. Ngoài ra, các xã trên địa bàn đều có dịch vụ viễn thông, có đài truyền thanh và hệ thống loa đến các thôn; 20 xã đã hoàn thành tiêu chí y tế.

Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các tầng lớp nhân dân đã đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu dân cư văn hóa, giữ gìn vệ sinh thôn xóm, làng bản sáng - xanh - sạch - đẹp. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa năm 2018 đạt 85,3%; tỷ lệ thôn, bản đạt tiêu chuẩn danh hiệu văn hóa 76,36%. Các hộ gia đình chăn nuôi làm hầm bioga, phong trào trồng cây xanh ven đường, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường được tổ chức sôi nổi trên địa bàn các xã.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%, nước sạch đạt trên 96%. Đặc biệt, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tuy mới thực hiện từ năm 2018 đã có 6 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao, nhiều sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, dần hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nên các chuỗi giá trị sản phẩm liên kết từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ.

Đặc biệt, tại huyện Na Rì, mô hình kinh tế tập thể đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Một số HTX đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho lao động ở địa phương và từng bước nâng cao đời sống.

Điển hình như HTX sản xuất và dạy nghề mộc dân dụng xã Quang Phong hoạt động tốt, có thu nhập 60 triệu đồng/tháng. Trong đó, thành viên đang học việc có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, thành viên đã thành thợ có thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/ tháng. HTX được thành lập và phát triển đã nâng cao được giá trị gỗ rừng trồng và tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.

Còn HTX Hương Rừng (Na Rì) gồm 24 thành viên HTX và 10 thanh niên trong nhóm sở thích nuôi ong mật, do anh Hoàng Văn Toàn làm Giám đốc. HTX hiện có 250 tổ ong. Thời gian qua, các thành viên HTX đã tích cực giúp đỡ nhau phát triển nghề nuôi ong mật. Đây là mô hình kinh tế tập thể của thanh niên khi biết dựa vào thế mạnh của địa phương để tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Hiện nay, huyện đã có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Để các xã còn lại về đích nông thôn mới, huyện đã phối kết hợp, hỗ trợ tích cực cho nhân dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế, đặc biệt khuyến khích thành lập HTX. Từ đó nhằm hình thành những nhóm nòng cốt về phát triển kinh tế, nâng cao năng lực của thanh niên, khơi dậy ý thức trách nhiệm và sự đam mê, sáng tạo của thanh niên trên con đường lập nghiệp, làm giàu, từ đó làm nền tảng hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới.

Bài, ảnh: Như Yến/Thời báo Kinh doanh

Tin cùng chuyên mục