Phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương

Xác định phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa sẽ có những tác động tích cực trong công tác giảm nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền huyện Lâm Bình đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh, thành lập các tổ hợp tác thực hiện các chuỗi chăn nuôi dê, bò, lợn đen…

Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển, thời gian qua, cấp ủy chính quyền huyện Lâm Bình đã khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng chuồng trại, vay vốn…để phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại. Cùng với đó, huyện đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động hướng dẫn các xã quy định cụ thể vùng chăn thả tại các thôn, bản nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò không ảnh hưởng đến hoa màu, diện tích rừng của người dân. Bên cạnh đó, để chăn nuôi phát triển đạt hiệu quả cao các xã chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực, giúp người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, nhất là trong mùa đông giá rét. Nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, sự năng động nhạy bén của các hộ dân, đến nay trên địa bàn huyện đã có nhiều gia trại chăn nuôi có hiệu quả.


Mô hình chăn nuôi vịt lấy trứng khu vực lòng hồ ở huyện Lâm Bình

Để phát huy lợi thế của vùng núi đá, việc chăn nuôi dê được quan tâm chú trọng để phát triển kinh tế trên địa bàn huyện. Dê được nuôi tập trung ở các xã: Thổ Bình, Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can,  Phúc Yên... Riêng năm 2017, từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình nông thôn mới đã hỗ trợ kinh phí cho 26 hộ gia đình thuộc xã Thổ Bình thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản với tổng số 208 con. Chăn nuôi dê đã trở thành nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số hộ đã có ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và chủ động trồng thêm cỏ, dự trữ thức ăn thô xanh để chăn nuôi; phương thức chăn nuôi chuyển dần từ chăn thả truyền thống sang kết hợp với bổ sung thức ăn tại chuồng (trồng cỏ, thân cây,...) nên chăn nuôi bước đầu đã có hiệu quả, mang lại thu nhập khá từ chăn nuôi dê thương phẩm cho người dân. Tính đến nay, tổng đàn dê trên địa bàn huyện 4.374 con, với gần 200 hộ tham gia. Bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế chính sách, để các hộ dân nhân rộng mô hình theo quy mô hàng hóa, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng được chính quyền và người dân quan tâm.

Hơn 16ha diện tích bìa rừng phòng hộ, trên núi đá Phia Khan là điều kiện tốt để gia đình ông Ma Công Tuấn, thôn Bản Phú, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình tham gia Dự án phát triển chăn nuôi dê theo hướng nông nghiệp sạch liên kết theo chuỗi giá trị gắn với việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Từ 25 con ban đầu của dự án, đến nay số dê của gia đình ông Tuấn đã phát triển gấp đôi. Vừa qua, gia đình ông Tuấn đã xuất bán gần 300kg dê thịt, thu về 30 triệu đồng.


Mô hình chăn nuôi dê ở xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình

Trao đổi với ông Vi Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Thổ Bình cho biết: Những năm gần đây, nhận thấy việc chăn nuôi dê khá thuận lợi bởi nguồn thức ăn dễ kiếm, chi phí vốn đầu tư không cao, ít bệnh tật, khí hậu thích hợp, quay vòng vốn nhanh, có thị trường tiêu thụ nên người dân trên địa bàn xã đã tích cực, chủ động mở rộng mô hình nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm để nâng cao thu nhập, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Không chỉ riêng với Lâm Bình, hiện nay các đia phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tiềm năng có thế mạnh theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, tư duy, ý thức, tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa./.

Thu Hương/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục