Chủ động đổi mới trong phát triển kinh tế hộ

Chủ động cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, lựa chọn cây trồng phù hợp và phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Và gia đình ông Nguyễn Duy Lý là mô hình kinh tế tiêu biểu trong việc chủ động đổi mới để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Đến với mô hình kinh tế của gia đình ông Nguyễn Duy Lý, xóm 20, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực cố gắng, không ngừng đổi mới, với cách làm khoa học, tận dụng triệt để diện tích đất sản xuất để có được vườn cây ăn quả (bưởi, ổi) và vườn chè cho hiệu quả kinh tế như hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, ông Lý phấn khởi chia sẻ những kinh nghiệm, thành quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp của hộ gia đình, cũng như những khó khăn trong những thời kỳ gắn với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Gia đình ông lên Tuyên Quang và định cư tại xóm 20, xã Kim Phú từ những năm 1960. Với xuất phát thuần nông, gia đình đã chủ động khai hoang, thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, giai đoạn này là giai đoạn khó khăn chung của cả nước (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ). Thời kỳ này, ngoài trồng lúa, gia đình ông còn phát triển trồng mía, ép mật để ổn định cuộc sống.

Sau giai đoạn này, gia đình ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây mía sang cây chè. Có thể nói cây chè đã gắn bó với cuộc sống, gắn với những khó khăn, vất vả trong quá trình sản xuất của hộ gia đình ông. Có những thời điểm gia đình thực hiện chế biến chè khô để bán lẻ và rồi lại bán chè búp tươi cho các cơ sở chế biến chè, tuy nhiên do giá thị trường không ổn định, lại bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế không cao, khó có thể làm giàu từ cây chè, nhất là trong điều kiện diện tích đất canh tác của hộ gia đình chỉ khoảng 01ha. Khi đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với hộ gia đình lại là sự cần thiết.

Đất nước mở cửa, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ông đã nghiên cứu, tìm hiểu và nắm bắt thị trường để lựa chọn sản phẩm cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của xã Kim Phú và cây bưởi, cây ổi là hai sản phẩm mà được gia đình ông lựa chọn để cơ cấu lại cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình. Gia đình ông đã quy hoạch lại diện tích sử dụng đất, với trên 7.200m2 quy hoạch trồng bưởi, 720m2 quy hoạch trồng ổi và giữ lại trên 2.000m2 diện tích chè thâm canh. Trên diện tích quy hoạch trồng bưởi, ông đã nghiên cứu và đa dạng hóa nhiều giống bưởi đặc sản trên địa bàn cả nước để đưa vào trồng như: bưởi Diễn, bưởi Da Xanh, bưởi Sửu, bưởi Soi Hà…Giống bưởi được trồng đa dạng, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nên các sản phẩm bưởi thu hoạch được vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm. Đến với vườn bưởi thời điểm hiện nay, ông Lý đã xuất bán khoảng 40% sản lượng thu hoạch là những giống bưởi chín sớm, đối với sản lượng còn lại có thể xuất bán dần đến hết năm. Chính từ đa dạng hóa giống bưởi và có thể bán rải đều từ đầu vụ đến hết năm nên giá bán bưởi của hộ gia đình luôn giữ được giá ổn định (trung bình từ 15.000 - 25.000 đồng/quả).


Ảnh: Đ/c Nguyễn Đại Thành - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang thăm vườn bưởi của hộ gia đình

Với cây ổi, ông lựa chọn giống ổi ngắn ngày cho thu hoạch trong năm và tiếp tục thực hiện thâm canh trên diện tích chè hiện có để bán chè búp tươi nguyên liệu. Ông khẳng định: Mặc dù chỉ trồng ổi trên diện tích khoảng 2 sào và thâm canh cây chè với diện tích trên 6 sào nhưng cây ổi và cây chè chính là cây trồng để ông thực hiện phương thức sản xuất “lấy ngắn nuôi dài” vừa có thể ổn định cuộc sống, đồng thời có thêm nguồn vốn đề đầu tư phát triển diện tích bưởi như hiện nay.

Từ việc chủ động, sáng tạo và không ngừng đổi mới trong lựa chọn cây trồng, cộng với việc chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp đã có tác động quan trọng: Không những tạo thu nhập ổn định cho hộ gia đình mà còn góp phần đưa kinh tế hộ phát triển thuộc diện khá trên địa bàn xã Kim Phú. Với thu nhập từ kinh tế vườn của hộ khoảng 400 triệu đồng/năm,với 04 khẩu hiện nay của gia đình ông Nguyễn Duy Lý thì đây là mức thu nhập rất cao và là mô hình kinh tế hộ gia đình cần được phổ biến để nhân diện rộng./.

Trần Gia Lam/VPĐP NTM

Tin cùng chuyên mục