Xây dựng nông thôn mới: Những vấn đề cần quan tâm

Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội Khóa XV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) giai đoạn 2021 - 2025 nhằm triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020

Theo đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 (viết tắt là Quyết định số 263/QĐ-TTg), với mục tiêu Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới. Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Theo nội dung Quyết định số 263/QĐ-TTg, Chương trình xây dựng nông thôn mới được áp dụng thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: Các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương. Xác định đối tượng thụ hưởng là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Quá trình thực hiện đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và toàn xã hội, trong đó chủ thể là người dân trên địa bàn nông thôn. Chương trình được triển khai thực hiện với 11 nội dung thành phần, gồm: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; (2) Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; (3) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; (4) Giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; (5) Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; (6) Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn; (7) Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam; (8) Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông thôn mới (NTM), tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; (9) Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; (10) Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn; (11) Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực xây dựng NTM; truyền thông về xây dựng NTM; thực hiện Phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM.

Cũng theo nội dung Quyết định số 263/QĐ-TTg, Chương trình dự kiến huy động tổng nguồn lực thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 2.455.212 tỷ đồng, với cơ cấu cụ thể như sau: Vốn ngân sách trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình dự kiến khoảng 1,6%; vốn ngân sách địa phương dự kiến khoảng 6,4%; vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 các Chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới dự kiến khoảng 9%; vốn tín dụng dự kiến khoảng 73%; vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 4,3% và huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng dự kiến khoảng 5,7%.

Song song với việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025 để cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức triển khai thực hiện việc đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn theo từng Bộ tiêu chí, cụ thể:

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao được ban hành tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022, theo nội dung Quyết định, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao đều quy định 19 tiêu chí đánh giá, trong đó: Để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, thì điều kiện đầu tiên phải là xã đạt chuẩn nông thôn mới, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời hoàn thành 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao quy định.

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu được ban hành tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022, theo nội dung Quyết định, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là xã: (1) Đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; (2) Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao tại cùng thời điểm; (3) Có ít nhất một mô hình thôn thông minh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể; (4) Đạt tiêu chí quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số...) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành tại Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022, theo nội dung Quyết định:

- Huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi: (1) Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025); (2) có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025); (3) Có 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh; (4) Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên và (5) Đạt 09 tiêu chí huyện nông thôn mới.

- Thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới khi: (1) Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025); (2) Có ít nhất 01 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; (3) Có 100% số phường trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh; (4) Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới của thị xã, thành phố đạt từ 90% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới đạt từ 80% trở lên) và (5) Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị trên địa bàn tối thiểu là 5 m2/người.

- Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khi: (1) Là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025); (2) Có ít nhất 50% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025); (3) Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên (trong đó có tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với kết quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt từ 85% trở lên) và (4) Đạt 09 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.

Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nội dung Quyết định quy định 08 nội dung xét công nhận: (1)  Có 100% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đối với các huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; (2)  Có 100% số thị xã, thành phố trên địa bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đối với các thị xã, thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, phải rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo yêu cầu đối với thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; (3) Có ít nhất 20% số huyện trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; (4) Có ít nhất 40% số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; (5) Có Đề án xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025 được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua; (6) Có ít nhất 70% số km đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường; (7) Đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4 m2/người; (8) Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý đạt từ 90% trở lên.

Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2025 đã xác định cụ thể 11 nội dung thành phần để các Bộ, Ngành Trung ương và địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp quy định đánh giá đạt chuẩn đối với cấp xã gồm 03 cấp độ (đạt chuẩn, nâng cao và kiểu mẫu); đối với cấp huyện gồm 02 cấp độ (đạt chuẩn và nâng cao); đối với thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nội dung đánh giá hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./. 

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục