Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2008-2021 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Với điều kiện là tỉnh miền núi, còn rất nhiều khó khăn, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau gần 13 năm thực hiện Nghị quyết số  26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp công sức của các tầng lớp nhân dân, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh đã đạt được những kết quả vượt bậc, diện mạo nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện, văn hóa, y tế, giáo dục,… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững. Trong đó, đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tiêu biểu, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao, với tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản là 4,4%/năm trong giai đoạn 2008-2020: Các vùng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường (Vùng cam có 8.653 ha; vùng chè 8.468 ha; vùng lạc 4.568 ha; vùng bưởi 5.190 ha); Phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung trang trại, gia trại đã hình thành theo từng vùng; Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đạt 35.843 ha (đứng đầu trong cả nước); Phát triển nuôi cá đặc sản hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện (tăng từ 353 lồng năm 2008 lên 2.225 lồng năm 2020); Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng đạt được kết quả tích cực, có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP được công nhận, trong đó có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 62 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng nhanh (tăng 4,15 lần so với năm 2008) và đạt 29,5 triệu đồng/người/năm 2020, ước đạt 34,46 triệu đồng/người năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn 9,31% năm 2015; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 27,81% năm 2016 xuống còn 9,03% năm 2020 (trong đó: Dự kiến năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 6,93%, riêng 02 huyện: Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố chỉ còn dưới 5% hộ nghèo); đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Nhu cầu về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin - truyền thông cơ bản được đáp ứng; vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy; truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương được bảo tồn và phát huy; môi trường, an toàn thực phẩm được người dân quan tâm; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; quốc phòng được giữ vững, an ninh trật tự xã hội ổn định.

Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đã đạt được những kết quả quan trọng sau hơn 10 năm thực hiện, từ xuất phát điểm (năm 2010) toàn tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 2,8 tiêu chí/xã, đến hết năm 2020, đã có 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 07 xã so với kế hoạch giai đoạn; đồng thời có thêm 02/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), nâng số tiêu chí bình quân lên trên 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 09 tiêu chí, không có nợ đọng xây dựng cơ bản. Thành phố Tuyên Quang cũng đã được Hội đồng thẩm định Trung ương họp, xét và nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Để đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để tập trung hỗ trợ phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt trên 39.335,7 tỷ đồng trong giai đoạn 2008-2020, trong đó: Vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ chiếm 65,7%; vốn tín dụng chiếm 28,6%; vốn doanh nghiệp chiếm 2,2%; huy động nhân dân đóng góp và nguồn vốn hợp pháp khác chiếm 3,5%. Đặc biệt, thông qua chính sách phù hợp đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân để huy động được trên 825.388 ngày công lao động và hiến trên 36.575 m2 đất thực hiện xây dựng các công trình theo chính sách “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết số  26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có thể thấy: Quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của hệ thống chính trị các cấp và sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, cộng đồng xã hội; luôn chủ động, sáng tạo, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thực Nghị quyết; đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chương trình hành động, kế hoạch, quy hoạch, có cơ chế, chính sách đột phá, chỉ đạo đồng bộ, huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn lực xã hội và sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.


Hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển (Một đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn xã Thái Long, thành phố Tuyên Quang).

 Kết quả đạt được sau gần 13 năm thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiếp tục khằng định tính đúng đắn, phù hợp của Nghị quyết, là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn; là Nghị quyết mà cả Đảng và Nhà nước phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cùng chăm lo để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn nông thôn. Và nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái đất nước.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất cần tiếp tục được khơi gợi thật hiệu quả các nguồn lực, phát huy cao nhất nội lực, tiềm năng, thế mạnh, vươn mình đổi mới, phát triển để hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế quốc tế... và đó cũng chính là chiến lược phát triển, là một sự bảo đảm cho tính bền vững, ổn định và phát triển của quốc gia. Với ý nghĩa thực tiễn đó, Tuyên Quang sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và kết quả đạt được sau gần 13 năm thực hiện Nghị quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và những năm tiếp theo, để xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng phát triển./.

Trần Gia Lam/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục