Lâm Bình đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2025 đang được Lâm Bình chú trọng thực hiện.

Ủy ban nhân dân huyện Lâm Bình tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021; triển khai kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2022

Ngay từ đầu năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ trọng tâm theo Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban nhân dân tỉnh; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; ban hành các Chương trình, Kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân huyện, tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 đến các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn trên địa bàn; tổ chức họp Ban Chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp huyện triển khai kế hoạch và các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất; phân công các Thành viên Ban Chỉ đạo sản xuất của huyện thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo và giải quyết các vấn đề vướng mắc; ban hành các Văn bản chỉ đạo về sản xuất, chuẩn bị vật tư, cơ cấu giống, khung thời vụ gieo trồng.

Chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 29/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa III) về phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, trong đó xác định tập trung phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2025, cụ thể:

Đối với cây chè: Thực hiện sắp xếp lại vùng sản xuất chè Shan Khau Mút. Duy trì diện tích chè hiện có và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ chè giữa người dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá trị sản phẩm; sản lượng chè búp tươi trên 1.500 tấn/năm.

Đối với cây lạc: Duy trì và nâng cấp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lạc tập trung chủ yếu tại các xã Phúc Sơn, Minh Quang, Thổ Bình, Thượng Lâm…; phát triển ổn định diện tích cây lạc trên 1.900 ha/năm, sản lượng đạt trên 6.000 tấn/năm.

Đối với cây lúa đặc sản: Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa đặc sản với diện tích trên 60 ha/năm, sản lượng bình quân trên 340 tấn/năm.

Đối với con dê núi hữu cơ: Duy trì và nâng cấp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dê; phát triển ổn định tổng đàn dê núi hữu cơ tại các xã trên 5.500 con, sản lượng thịt hơi bình quân trên 110 tấn/năm.

Đối với con lợn đen địa phương: Hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn; duy trì, phát triển đàn lợn đen địa phương trên 11.300 con, sản lượng thịt hơi bình quân trên 390 tấn/năm.

Đối với con cá đặc sản: Xây dựng các vùng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao, coi đây là những sản phẩm tiềm năng, phát huy lợi thế của địa phương. Tập trung vào các sản phẩm từ cá: Chiên, Lăng, Bỗng... duy trì chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản lượng cá bình quân trên 20 tấn/năm.

Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản thời gian qua trên địa bàn huyện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng thiệt hại lớn của thiên tai, dịch bệnh; giá cả thị trường nông sản không ổn định; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, dịch Viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu kép “Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng; nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển và từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, an ninh lương thực được đảm bảo; các mô hình kinh tế theo chương trình, kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện được quan tâm thực hiện, bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề án... thực hiện đảm bảo theo lộ trình và từng năm. Chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trong tâm của huyện năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Kết quả một số lĩnh vực về phát triển nông nghiệp có chuyển biến tích cực hơn so với những năm trước đây góp phần cơ bản vào hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Huyện có 03 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân/xã trong toàn huyện đạt 14,2 tiêu chí/xã.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2022: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt trên 420 tỷ đồng; Tổng sản lượng lương thực 24.869 tấn (thóc 19.053 tấn, ngô 5.816 tấn); Duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm trên338.448 con, trong đó: 10.200 con trâu, 3.150 con bò, 35.992 con lợn, 4.337 con dê, 284.769 con gia cầm; Tổng diện tích trồng rừng 650 ha (trong đó: 600 ha rừng sản xuất, 50 ha trồng cây phân tán). Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%; Duy trì 03 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Thổ Bình). Hoàn thành 03 vườn mẫu nông thôn mới; xây dựng kế hoạch thực hiện 01 thôn nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thổ Bình. Cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang nuôi, trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn, xây dựng thương hiệu mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tìm kiếm thị trường cung cấp sản phẩm ổn định, an toàn. Chỉ đạo các xã trên địa bàn duy trì, củng cố và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững./.

 

Nguyễn Thị Thu Hương/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục